Đây là dự án được Tổ chức IDH Hà Lan, Tập đoàn Unilever và Bộ NN&PTNT triển khai theo mô hình PPP nhằm đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân hướng đến sản xuất chè bền vững, đạt chứng chỉ Rainforest Alliance (RA).
Thông tin trên được Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết tại hội nghị phát triển chè bền vững lần thứ 5 và ra mắt dự án "Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 2", ngày 28/2 tại Hà Nội.
Ông Lê Quang Chuyền, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) đánh giá mô hình giúp thay đổi nhận thức cho người trồng chè để việc sản xuất chè an toàn thực phẩm không giảm sản lượng, không tăng chi phí, công lao động giảm nhưng chất lượng cao hơn… Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản.
Theo ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam, sau hơn 3 năm triển khai mô hình PPP phát triển chè bền vững tại Việt Nam, chất lượng chè đã được cải thiện rõ rệt. Trước khi triển khai mô hình này, mỗi năm Unilever chỉ nhập được khoảng 4.500-5.000 tấn chè Việt Nam. Nhưng hiện nay, Unilever đã nhập được khoảng 11.000 tấn. Hy vọng thời gian tới chất lượng chè Việt Nam tiếp tục được nâng cao và Uninever có thể nhập được 20.000 tấn chè từ Việt Nam.
Mười lăm nhà máy sẽ cùng 16.500 nông dân tham gia dự án "Thúc đẩy các nông hộ chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng - giai đoạn 2", với mục tiêu 25.000 tấn chè được sản xuất có trách nhiệm, trong đó khoảng 15.000 tấn được chứng nhận RA.
Ngoài dự án trên, hiện Hiệp hội Chè Việt Nam cũng đang triển khai dự án “Chất lượng và Bền vững của ngành chè Việt”, theo đó sẽ lập các tổ đội phun thuốc bảo vệ thực vật tập trung cho 13 nhà máy, giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc tại vùng trồng chè.
Nguồn Baochinhphu