Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục thương mại điện tử và kinh tế số cùng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia bất ngờ kiểm tra kho hàng là căn biệt thự 5 tầng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, phát hiện nhiều hàng hoá vi phạm.
Phát hiện nhiều vụ bán hàng giả trên mạng
Chủ kho hàng này là một người nổi tiếng trên mạng xã hội, chuyên bán hàng qua livestream, có lượng khách mua rất lớn thông qua phát trực tiếp trên nền tảng Facebook, Shopee, TikTok... chỉ tính riêng 1 lượt livestream trên Tiktok kho hàng này đã có khoảng 15.000 người xem, trong vòng 20 ngày doanh thu đã lên tới gần 3 tỷ đồng.
Hàng hóa tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng được cho là hàng Hàn Quốc, Mỹ, Canada... tuy nhiên không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Được biết đây không phải trường hợp duy nhất bị phát hiện, bắt giữ. Tháng 11 vừa qua tại Gia Lai, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày.
Thời điểm kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa, như nước hoa hàng hiệu, giày, dép, túi, ví, mỹ phẩm, các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng… đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, trong khoảng thời gian trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất “nóng”. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online.
Đáng nói, việc thời gian gần đây hình thức livestream bán hàng ‘nở rộ’ trên các sàn Shopee, TikTok,... khiến nhiều mặt hàng làm giả, nhái, nhập lậu còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng khiến lượt bán tăng cao, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đặt lòng tin và bỏ tiền mà không biết mình sẽ nhận về những sản phẩm kém chất lượng. Và ‘trái đắng’ sau cùng thì chỉ có người mua phải gánh chịu.
Chị Thanh My (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị thường mua các sản phẩm mỹ phẩm thông qua các phiên phát trực tiếp thông qua nền tảng TikTok, gần đây chị có mua hàng của một shop khá nổi tiếng, có nhiều người theo dõi, tuy nhiên khi nhận được sản phẩm thì thấy sản phẩm có bao bì khác với mọi khi, khi đó chị mới biết mình đã mua phải hàng nhái.
Tăng cường biện pháp để bảo vệ thị trường tiêu dùng
Từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường sôi động, vấn nạn hàng giả hàng nhái được dự báo tiếp tục phức tạp. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị đang đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng, bảo vệ môi trường tiêu dùng lành mạnh cho người dân yên tâm mua sắm.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong đó, có chỉ đạo tập trung kiểm soát chặt chẽ sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Về phía các sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cam kết nền tảng này sẽ siết chặt quản lý, giữ quyền xóa nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu người mua hàng phản ánh nội dung quảng cáo sai sự thật, nền tảng của TikTok có công cụ gỡ bài, thậm chí xóa tài khoản, báo cáo với chính quyền về vi phạm để không chỉ chịu chế tài trên nền tảng TikTok mà còn chịu chế tài xử lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông cho biết nền tảng sẽ có đánh giá thường xuyên, cơ chế quản trị nhà sáng tạo nội dung, khi livestream theo dõi, nếu vi phạm dừng phiên và xử lý vi phạm.
Lazada cũng phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu đối tác và cơ quan thực thi pháp luật để có biện pháp xử lý kịp thời đối với các gian hàng bị phát hiện buôn bán hàng giả, hàng nhái như hạn chế hoạt động của gian hàng, hạn chế hiển thị sản phẩm, khóa tài khoản bán hàng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
"Chúng tôi luôn áp dụng quy chế và chính sách vận hành phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và yêu cầu tất cả nhà bán hàng trên Lazada cũng phải cam kết tuân thủ các quy chế, chính sách này cũng như phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử Lazada" - đại diện Lazada khẳng định.
Để giải quyết tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, các chuyên gia khuyến cáo bản thân người tiêu dùng cần thay đổi thói quen, tỉnh táo hơn khi mua hàng trên không gian mạng và cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn như yêu cầu trả hàng, tố cáo với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng vi phạm chất lượng.
Theo VNbusiness