Chủ Nhật, 24/11/2024 03:18:20 GMT+7
Lượt xem: 1347

Tin đăng lúc 27-06-2021

Hàng giả, hàng nhái: Vấn nạn trong kinh doanh online

Kinh doanh online là hình thức chiếm ưu thế trong những năm gần đây.Đặc biệt, hiện nay khi dịch Covid-19 đang có tác động mạnh đến các loại hình kinh doanh trực tiếp thì kinh doanh online lại tiếp tục được lên ngôi.Lợi dụng hình thức này, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng,gây thách thức lớn cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Hàng giả, hàng nhái: Vấn nạn trong kinh doanh online
Ma trận hàng giả trên các trang TMĐT và mạng xã hội

Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc, bắt quả tang nhiều đường dây, tụ điểm, cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái nổi cộm và dù xử phạt rất quyết liệt nhưng thực tế cho thấy chỉ như muối bỏ biển, vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này.

 

Các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng chuyên nghiệp với nhiều chiêu thức tinh vi, đặc biệt là qua hình thức kinh doanh online. Trong khi đó, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang thiếu sự quản lý, kiểm định chất lượng, người bán thì đăng quảng cáo một đằng, nhưng giao hàng một nẻo. Điều này gây khó khăn cho hoạt động trinh sát, kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm, cũng như khám xét nơi cất giữ tang vật của lực lượng chức năng. Chính vì những kẽ hở này, tạo nên một làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường và khách hàng luôn là người phải gánh chịu thiệt thòi.

 

Lướt một vòng trên các trang TMĐT hay trên trang mạng xã hội Facebook sẽ thấy nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng được rao bán với giá rẻ bất thường. Thậm chí, một vài nơi không hiểu vô tình hay cố ý, hình ảnh thì chụp sản phẩm mang thương hiệu thật, nhưng trong mô tả thì lại cố tình viết sai 1, 2 chữ cái trong tên thương hiệu.Đương nhiên, tiền nào của đó, khi mua về, mức độ tinh xảo, chất lượng của sản phẩm thì không thể sánh được với hàng chính hãng.

 

Ngoài việc đăng trực tiếp các sản phẩm lên chợ online, một số người kinh doanh sử dụng hình thức chỉ bán các sản phẩm nhái trên sóng livestream. Hình thức này giúp các nhà kinh doanh online dễ dàng né được sự quản lý của cơ quan chức năng và cũng dễ dàng xoá dấu vết vì không có lịch sử mua hàng lưu lại.

 

Thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng được làm giả làm nhái hiện nay tương đối đa dạng và hết sức tinh vi, sản phẩm được làm giả, làm nhái có thể giống đến 99% hàng thật. Nếu không có sự kiểm tra và so sánh kỹ lưỡng giữa giá cả và bao bì thì khách hàng sẽ khó có thể nhận biết và rất dễ mua phải hàng nhái tinh vi này.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm nhái được sản xuất khá kỹ thì rất nhiều những sản phẩm nhái rất dễ để nhận biết, nhưng lượng khách hàng lựa chọn mua sử dụng lại tương đối lớn vì những sản phẩm này có giá bánrẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng. Hành vi này của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái phát triển mạnh mẽ hơn. 

 

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

 

Tại Shopee, sàn TMĐT này chỉ trả tiền cho người bán khi người mua hài lòng với sản phẩm. Người mua cũng có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác. Đặc biệt, còn có cơ chế trao đổi thông tin nhanh với các cơ quan chức năng và các nhãn hàng.

 

Còn sàn TMĐT Sendo cũng đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo.Những tài khoản được mở mới, hay những tài khoản ngay lập tức đăng nhiều sản phẩm lên sàn với giá thấp hơn giá thực tế trong cùng phân khúc là dấu hiệu Sendo đánh giá và loại trừ những nhà bán hàng đó ngay khi họ mở tài khoản.

 

Có thể nói, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là trong lĩnh vực TMĐT, các cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa vi phạm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

 

Quan trọng nhất, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua, bán những mặt hàng này. Không “tiếp tay” cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

 

          Minh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang