Anh N.L, chủ shop thời trang thể thao ở Hà Nội tiết lộ: “Trong kho nhà tôi, 80% là giày nhái các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Stan Smith, Adidas… Đa số là hàng đánh về từ Trung Quốc. Tuy nhái nhưng thiết kế y hệt chính hãng, lại còn có cả thẻ bảo hành nữa”. Những cửa hàng như của anh L. đang ngày một xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… Điều đặc biệt là rất nhiều khách hàng tới những shop này mua đồ đều biết đây chỉ là hàng rởm song vẫn xuống tiền. Hãy thử tưởng tượng, bạn chỉ phải bỏ ra số tiền bằng 1/10 để sở hữu một đôi giày trông chẳng khác gì hàng chính hãng. Chính mức giá quá rẻ ấy đã mê hoặc người mua.
Thế giới hàng hiệu rởm khá phức tạp, sản phẩm nhái cũng được phân thành nhiều tầng cấp. Nhái càng giống thật thì giá thành càng cao. Hàng nhái cao cấp nhất được dân trong nghề gọi là “Repilica”, sao chép tỉ mỉ, tinh xảo, giống nguyên mẫu từ 95 – 99%, có giá thành cao nhất. Tiếp theo là các dạng: Super fake, fake 1, fake 2… theo thứ tự chất lượng giảm dần, được chế tác bằng chất liệu kém, gia công nhiều lỗi.
Đa dạng, phong phú là vậy nên khách hàng sẽ có đủ các lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình. Song với những ai không có kinh nghiệm thì đó quả thực là một ma trận hàng nhái không dễ tìm được lối ra. Anh L. cũng tiết lộ: “Khách mua hàng hiệu rởm thường có 2 xu hướng, một là biết mà vẫn mua, hai là không biết do bị gài. Còn như nhà tôi thì cả chủ và khách đều biết rõ đây là hàng nhái”.
Bán hàng rởm, hàng nhái rẻ tiền, nhiều chủ cửa hàng vẫn thu lợi nhuận lớn, thậm chí gấp đôi gấp ba. Nhiều chủ tiệm còn thuê cửa hàng hoành tráng, lập Fanpage để livestream, lên sàn thương mại điện tử, chạy quảng cáo marketing rầm rộ trên mạng xã hội, thậm chí còn có đội ngũ chăm sóc khách hàng hùng hậu. Và tất cả những điều đó đơn giản chỉ là để tạo lòng tin cho khách hàng.
Một tay buôn hàng hiệu lâu năm ở Hà Nội tên T.T thừa nhận, trong số các kiện hàng nhập về nước, đôi khi sẽ có “đính kèm” một số sản phẩm rởm, nhái. Chỉ cần bán trót lọt được vài sản phẩm, anh đã thu lãi lớn. Và lợi nhuận kinh doanh của anh chủ yếu đến từ việc bán hàng nhái này.
Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh T. thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đánh bóng, “sống ảo”: khoe những bữa tiệc xa xỉ, những chuyến du lịch đắt tiền, thậm chí còn đi xin hoá đơn, hộp đựng hàng hiệu thật về để chụp ảnh tung lên mạng.
Kho hàng rởm bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ
Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết hàng hiệu rởm đều được gia công, chế tác tại Trung Quốc, đặc biệt là vùng Quảng Châu – nơi được mệnh danh là “thánh địa” của hàng giả. Chủ sạp ở Việt Nam hầu như đều phải có người dắt mối thì mới nhận được sự tin tưởng của đầu nậu Trung Quốc. Phải là mối cực thân tín mới được cho vào tận xưởng gia công, còn lại đều phải thông qua bên thứ ba làm môi giới. Hàng fake 1, fake 2 thì giá cả vô cùng rẻ mạt nhưng hàng Super fake trở lên và hàng Replica thì phải chồng tiền đặt hàng riêng mới có được.
Nói về chuyện đánh hàng từ Quảng Châu về, anh T. khoe: “Như tôi là dân buôn lâu năm thì sẽ không phải làm việc qua đầu mối mà được dắt thẳng vào xưởng để xem, lựa hàng. Sau khi ưng ý, hàng sẽ được một công ty vận chuyển theo đường bộ về Việt Nam”.
Mới đây, vào tháng 1/2021, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vừa phối hợp với các lực lượng khác tiến hành kiểm tra, thu giữ hàng nghìn sản phẩm quần áo nhái thương hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Louis Vuitton... tại chuỗi cửa hàng AE Shop Việt Nam ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương. Đây là hệ thống bán quần áo, sản phẩm thời trang khá nổi trên các trang mạng xã hội (Facebook, TikTok và Zalo) với các chiêu trò livestream bán hàng giật gân, câu khách. Để tạo ấn tượng và thu hút khách, các nam nhân viên của hệ thống cửa hàng này không ngần ngại cởi trần, hò hét, nhảy múa để giới thiệu các sản phẩm mà shop đang bán và không ngừng khẳng định đây là hàng hiệu, hàng xịn.
Tại cơ sở AE Shop Việt Nam, số nhà 167 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 4.686 sản phẩm giày, dép, quần áo, thắt lưng… mang các nhãn hiệu: Louis Vuitton, D&G, Dior, Lacoste, Adidas, Givenchy, Bubberry, Mango, Clarks, Hermes, Philip Plein, Gucci, Versace, Nike, DSQuared, Fendy… Người quản lý cơ sở là ông Phạm Ngọc Phong thừa nhận số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ.
Phương Lê