Ghi nhận trong những ngày gần đây, tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Chợ Xanh (Hoàng Mai), chợ Văn Quán (Hà Đông) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), các mặt hàng thực phẩm đã rục rịch tăng giá. Đặc biệt rau xanh, gạo và thịt lợn tăng mạnh so với thời điểm trước.
Giá tiêu dùng 'leo thang' từng ngày
Bà Hương, chủ vựa gạo chợ Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết giá gạo đang quá biến động, tăng giá mỗi ngày với khoảng tăng 1.000-4.000 đồng/kg nên người bán lẻ cũng điêu đứng theo. Chẳng hạn, hiện giá bán lẻ gạo nàng thơm mềm xốp 16.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng so với cuối tháng trước; gạo Tám Điện Biên 20.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng; gạo Tám Thái tăng 1.500 đồng lên 25.000 đồng/kg…
Gạo tăng giá khiến các mặt hàng được chế biến từ gạo như: bún, bánh phở, bánh đa… cũng chịu ảnh hưởng. Bà Phương, chủ cơ sở chuyên sản xuất bún, bánh phở tươi tại một số chợ ở khu vực Quận Nam Từ Liêm, cho biết có hôm buổi sáng công ty gạo báo giá 12.000 đồng/kg, chiều tăng 12.500 đồng/kg, qua ngày hôm sau lại giá khác. “Họ không nói lý do tăng giá, chỉ cho biết với mức giá này mới bán được. Mình là cơ sở sản xuất cũng đành chịu thôi”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, hiện nay nguyên liệu đầu vào không chỉ mặt hàng gạo tăng giá mà xăng dầu, điện… đều tăng, giá bán lẻ phải điều chỉnh lên 20%-30% để bù đắp chi phí. Điều này cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng khi mua bán các mặt hàng thiết yếu.
Đối với các loại rau, củ, quả đã đồng loạt tăng từ 2.000 - 5.000 đồng, tùy từng khu chợ. Ví dụ, ở chợ đầu mối phía Nam, trước đây một bó rau ngót có giá 4.000 đồng/bó, nay tăng lên 7.000 đồng/bó. Tại chợ Xanh (Hoàng Mai), một số cửa hàng còn bán 9.000 đồng/bó, chênh 4.000 đồng so với giá cũ. Cà chua trước đây bán 10.000 đồng/kg, nay tăng lên 13.000 đồng, cải chíp và cải ngọt đồng loạt tăng 1.000 đồng so với giá cũ là 7.000 đồng/kg…
“Rau muống, cà chua… là những mặt hàng thiết yếu đã tăng do nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân. Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, xăng dầu tăng, kéo theo các chi phí như: Vận chuyển, bảo quản, nhân công... đã đẩy giá thành sản phẩm lên theo”, chị Minh (chủ sạp hàng rau tại chợ đầu mối Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ.
Tương tự, hiện tại, giá thịt lợn đã tăng lên đáng kể trong vòng hai tháng. Tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg, tăng 2.000-4.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023.
Giá thịt lợn (móc hàm) tại các lò mổ đang dao động ở mức giá 85.000 – 90.000 đồng/kg. Do đó, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng đang dao động xung quanh mức 110.000 – 135.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn non, ba chỉ có giá 135.000 đồng/kg; bắp giò, nạc vai có giá 130.000 đồng/kg; mông sấn 110.000 - 120.000 đồng/kg... Nhiều người tiêu dùng cho rằng trong bối cảnh nguồn thu nhập sụt giảm, kinh tế khó khăn giá thịt lợn như vậy vẫn ở mức cao.
Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc tăng giá hàng hóa gần đây như đó là vấn đề cung – cầu thị trường, song trong đó có lý do tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Chị Trịnh Thu Hiền ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, lương cơ sở được điều chỉnh tăng thêm 400.000 đồng/tháng là điều rất vui với viên chức như chị. Tuy nhiên, ngay khi mức lương được điều chỉnh tăng từ 1/7, thì các khoản chi tiêu thường xuyên trong gia đình chị đã tăng đáng kể.
“Không chỉ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng giá mà ngay cả điện, nước, giá xăng cũng tăng mạnh những ngày gần đây. Cùng với việc các khoản chi thường xuyên như mua sách vở cho con vào năm học mới đều tăng khiến lương tăng không đủ bù cho các khoản tăng giá”, chị Hiền nói.
Tác động từ tăng lương cơ bản đã nằm trong tầm kiểm soát?
Chuyên gia lao động - tiền lương Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI).
Theo ông Huân, thực tế tình hình giá cả tăng theo lương đã hạn chế hơn so với những lần điều chỉnh trước. Trước đây, hàng hóa khan hiếm. Khi lương cơ sở tăng, hàng hoá cũng “tát nước theo mưa”. Thế nhưng, hiện nay có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm, nhà nước cũng đang nỗ lực kiềm chế lạm phát để việc tăng lương đem lại ý nghĩa thiết thực với người lao động.
Trong kiến nghị vừa gửi tới Bộ Tài chính, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và Đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, tăng cường thanh tra kiểm tra quyết liệt hơn để bình ổn giá, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Trả lời những kiến nghị này của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, nước ta đang thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá các mặt hàng nhìn chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Cũng theo Bộ Tài chính, những tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản được kiểm soát, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.
Với việc tăng mức lương cơ sở cho 9 nhóm đối tượng từ 1/7/2023, Bộ Tài chính nêu rõ, việc này là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Vì thế, việc đánh giá tác động đến CPI của việc tăng lương cơ sở cũng đã nằm trong kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Trong những tháng cuối năm, để ổn định giá cả thị trường, đặc biệt để việc tăng lương cơ sở không tác động tới các mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính cho biết sẽ bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường, các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.
Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý có thể kiểm soát việc xăng dầu, kiểm soát được vận tải…, nhưng không thể điều chỉnh được giá thịt lợn, giá rau, không điều chỉnh được giá cả trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi những chi phí này không hề nhỏ. Đây là bài toán khó, cần tìm ra lời giải.
Sức mua bắt đầu khởi sắc Thống kê của các chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, từ tháng 7/2023 sức mua có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Diễn biến này không nằm ngoài quy luật thị trường chung hằng năm. Dự báo từ nay đến cuối năm, sức mua sẽ tốt dần lên; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh cũng tích cực đưa hàng ra thị trường, tăng lưu thông dòng tiền để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 512,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây được coi là dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế khi sức tiêu thụ tăng lên. |
Theo VNbusiness