Tại kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/6, giá xăng Ron 95 được điều chỉnh giảm 380 đồng/lít, xăng E5 Ron 92 giảm 269 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 220 đồng/lít, dầu hỏa giảm 197 đồng/lít, dầu mazút 180 CST 3.5S giảm 182 đồng/lít. Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp của xăng dầu, trước đó vào ngày 17/5, giá xăng dầu cũng đã giảm nhẹ.
Giá xăng giảm nhỏ giọt
Câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn khi trước đó, sau ba lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng dầu đã tăng trung bình 2.000 – 3.000 đồng/lít. Điều này cho thấy giá xăng tăng mạnh nhưng chỉ giảm nhỏ giọt.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định nghịch lý trên xuất phát từ việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bất hợp lý. Việc đưa Quỹ Bình ổn vào nhằm giúp điều hành vĩ mô, ổn định giá xăng dầu phần nào, đáng lẽ tăng 10 thì chỉ tăng 7. Tuy nhiên, thời gian qua, một điểm bất cập trong việc sử dụng quản lý Quỹ là việc xả Quỹ chưa hợp lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT công ty Xăng dầu Tự lực I (Hà Nội), cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn để giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường: giá thế giới lên thì giá trong nước lên, giá thế giới giảm thì giá trong nước cũng giảm.
"Việc sử dụng Quỹ Bình ổn làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Vì vậy, bỏ Quỹ Bình ổn sẽ giúp điều hành tốt, bình đẳng hơn", ông Tiu nhấn mạnh.
Chưa kể, thông tin từ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị hiện nay đang bị âm, thậm chí nhiều DN chỉ còn vài tỷ đồng và ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây.
Cụ thể, trước thời điểm 15 giờ ngày 1/6/2019, Quỹ Bình ổn giá dầu tại Petrolimex bị âm 316 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) âm trên 660 tỷ đồng… Như vậy, thời gian tới, nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao, Quỹ Bình ổn cạn kiệt, việc điều hành giá xăng dầu sẽ càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của sản xuất, tăng giá sẽ khiến các DN sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết bản chất của vận tải là xăng dầu chiếm 20 – 30% giá thành, cộng với vừa rồi điều chỉnh đồng loạt tăng giá điện, nước – những mặt hàng liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, dẫn đến DN đang đứng trước tình cảnh hết sức gay go.
Hiện nay, nhiều DN đã tiến hành ứng dụng khoa học công nghệ để tinh giản nhân sự, qua đó giảm chi phí kinh doanh…, tuy nhiên nếu giá xăng, giá cả đầu vào tiếp tục tăng, chắc chắn DN phải tăng giá cước.
Chính vì vậy, ông Eric Sidgwwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng tăng giá điện và giá xăng dầu sẽ tác động ở vòng hai, tức là tác động đến các ngành công nghiệp khác.
Đây là điều cần phải theo dõi kỹ lưỡng hơn vì điện và xăng dầu là đầu vào quan trọng của ngành sản xuất. Lạm phát năm 2019 được dự báo là sẽ ổn định nhưng tăng trong năm 2020 nếu như tác động đến các ngành công nghiệp sản xuất sử dụng đầu vào xăng dầu và điện bị ảnh hưởng nhiều.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), nhận định lạm phát quý I/2019 chưa đáng lo ngại nhưng bắt đầu từ nay đến cuối năm sẽ có những vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết. Nguyên nhân là do giá điện, giá xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhất là những ngành tiêu dùng tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải. Điều đó dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng; ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội và người tiêu dùng.
Cụ thể, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3/2019 đã tác động đến CPI tháng 4 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3. Bên cạnh đó, với mức tăng thuế môi trường, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018.
Một diễn biến khác đáng chú ý là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy chỉ giảm số đàn khoảng 5-6% nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cung – cầu, giá thực phẩm. Cung giảm, cầu tăng, mà cầu tăng sẽ đẩy giá tăng cao hơn nữa.
Đồng thời, các dịch vụ y tế và giáo dục như viện phí, sách giáo khoa cũng sẽ tăng giá. Như vậy, CPI tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tăng.
Trong khi đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đã cảnh báo lạm phát năm nay có thể vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. VEPR đưa ra hai kịch bản, theo đó trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát cả năm khoảng 4,21%; trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm khoảng 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.
"Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng từ bên trong trong và bên ngoài", VEPR dự báo.
Trong đó, các đợt điều chỉnh giá những dịch vụ công, điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát.
Đối với tác động bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm…
Theo thoibaokinhdoanh.vn