Sẽ chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 600 mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất chưa cắt giảm về 0%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết: Hầu hết mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào VN nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%.
Chỉ còn một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô... sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Hai nhóm mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đang được đàm phán để giảm thuế sau năm 2018.
Riêng các nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp như muối, đường, thịt gà, thịt heo, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới như cam, quýt... VN đã đàm phán để bảo lưu mức thuế 5%.
Với phần lớn hàng hóa trong nội khối ASEAN được miễn thuế nhập khẩu, liệu hàng hóa từ các nước ASEAN có ồ ạt vào VN trong thời gian tới do giá sẽ rẻ hơn?
Tôi cho rằng hàng hóa ASEAN sẽ không ồ ạt tràn vào VN bởi lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN đã được thực hiện trong 15 năm qua, kể từ năm 1999. Việc cắt giảm thuế quan ASEAN đã diễn ra từng bước qua từng năm.
Như trong giai đoạn 2012-2014, VN đã đưa trên 7.000 dòng thuế về 0% và còn lại trên 2.000 dòng thuế đã cắt giảm về thuế suất 5%.
Việc thực hiện lộ trình giảm thuế ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế VN?
Từ năm 2011 trở về trước, nhập siêu từ ASEAN của VN khoảng 5-7 tỉ USD/năm, nhưng có xu hướng giảm dần từ năm 2012 và hiện nay con số này khoảng 3 tỉ USD/năm.
Mặt hàng nhập siêu chủ yếu từ ASEAN là xăng dầu, trong khi VN xuất khẩu dầu thô sang ASEAN trung bình 1,6 tỉ USD/năm và nhập xăng dầu từ ASEAN là 4,6 tỉ USD/năm.
Có thể nói, nhiều mặt hàng trong nước đã có sức cạnh tranh với hàng trong ASEAN như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa... Xuất khẩu của VN sang Asean trong ba năm gần đây gia tăng đáng kể, chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI, trong khi nhập khẩu hầu như không tăng.
Liệu hàng các nước khác như từ Trung Quốc có vòng qua các nước trong ASEAN để vào VN, Thái Lan, Malaysia...?
Hàng hóa giao thương trong nội khối ASEAN muốn được hưởng chính sách ưu đãi theo cơ chế của ASEAN phải đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàm lượng giá trị được tạo ra trong ASEAN tối thiểu 40% và phải có giấy chứng nhận xuất xứ từ ASEAN (form D).
Theo Lê Thanh
Tuổi Trẻ