Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản liên tục tăng trưởng, 10 tháng năm 2014 đạt trên 12,33 tỷ USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước.
Nhóm sản phẩm dệt may đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, chiếm gần 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật, với trên 2,16 tỷ USD. Đứng thứ 2 về kim ngạch là nhóm hàng phương tiện vận tải, phụ tùng; tiếp đến dầu thô; máy móc dụng cụ phụ tùng; thủy sản; gỗ và sản phẩm gỗ. Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản từ đầu năm đến nay đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu cao về trái cây tươi, rau xanh và nhiều mặt hàng nông sản khác. Hiện nay có sự chênh lệch lớn trong kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thuỷ sản giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong khi nông sản của Nhật Bản xuất vào thị trường Việt Nam tỷ lệ còn thấp, hàng Việt Nam đang được xuất sang thị trường này rất nhiều.
Tại Nhật Bản, Việt Nam nổi tiếng với mặt hàng về trái cây tươi và gạo, trong tương lai, thị trường Nhật Bản có thể tăng nhập khẩu sản phẩm bột gạo của Việt Nam. Mặc dù Nhật Bản là thị trường tiềm năng, nhưng cũng một trong những thị trường xuất khẩu khó tính, những sản phẩm tươi sống xuất vào thị trường này đòi hỏi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh.
Muốn thúc đẩy các loại trái cây tươi, rau xuất sang thị trường này, phải áp dụng quy trình sản xuất sạch GAP, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, đóng gói đúng quy chuẩn và thực hiện chiếu xạ hoặc xử lý bằng hơi nước nóng. Đồng thời, Việt Nam cần làm tốt khâu kiểm dịch động thực vật để loại trừ được các doanh nghiệp làm ăn gian dối ảnh hưởng đến cả ngành hàng, như trường hợp tôm xuất khẩu nhiễm chất cấm liên tục bị Nhật Bản cảnh báo trong thời gian qua./.
Việt Hà/VOV - Trung tâm Tin