Sáng 5/1, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu về 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, để thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ 1/1/2018. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đến giai đoạn 2022-2023.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm có: ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN – Australia - New Zealand, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Chi Lê và Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu.
Để thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do trong các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 và 2023.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, quy định về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018 đến năm 2022/2023 nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.
Các nghị định này bổ sung quy định về thuế suất thuế nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế kèm theo các Nghị định. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Số lượng nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương.
Đáng chú ý ở Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA), tính đến năm 2018 có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sản thép…
Với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018 gồm các mặt hàng chính như: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Với Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), năm 2018 có 704 dòng có thuế suất cắt giảm 0% tập trung ở các mặt hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Còn theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), có 456 dòng có thuế suất 0%, chủ yếu ở các nhóm chất béo, đường, đá xây dựng, máy móc thiết bị, sắt thép, nhôm, thiếc, bộ phận xe cộ…
Trả lời câu hỏi về việc cắt giảm thuế suất có ảnh hưởng như thế nào tới ngân sách? Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng 10 Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt này sẽ có giảm thu ngân sách từ giảm thu thuế xuất nhập khẩu, nhưng về cơ bản đã được tính toán trong dự toán thu ngân sách hàng năm.
"Khả năng giảm thu ngân sách từ 10 Nghị định này so với Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam năm 2016 là rất ít, gần như không đáng kể", ông Tuấn Anh khẳng định.
Về việc kể từ khi thực hiện FTA với Hàn Quốc, Hàn Quốc đã trở thành thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, vượt qua cả Trung Quốc, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng nhập khẩu từ nước này, có thể có nguyên nhân đi kèm như sự thay đổi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc lớn, dẫn đến tăng nhập khẩu và tăng nhập siêu./.
Nguồn VOV