Chủ Nhật, 24/11/2024 19:10:48 GMT+7
Lượt xem: 1932

Tin đăng lúc 07-01-2020

Hàng siêu thị cũng vẫn lo

Vụ việc hàng tấn thực phẩm đông lạnh không đảm bảo chất lượng bị thu giữ ở Hà Nội mới đây khiến nhiều người hoang mang về nguồn thực phẩm cung cấp vào các siêu thị - nơi vốn được xem là địa chỉ tin cậy của các bà nội trợ.
Hàng siêu thị cũng vẫn lo
Ngay cả siêu thị cũng vẫn có những kẽ hở để lọt lưới sản phẩm “bẩn”

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng cao, có lẽ vì thế mà nhiều doanh nghiệp, cá nhân bất chấp các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nhập những lô hàng đông lạnh hết hạn sử dụng, thậm chí còn đang trong quá trình phân hủy bốc mùi.

 

Năm nào cơ quan chức năng cũng bắt giữ hàng tấn thực phẩm đông lạnh từ chân gà, thịt lợn, thịt bò, nầm lợn, trứng non... có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc tuồn vào các tỉnh phía Bắc đến Hà Nội...

 

Nhiều vụ việc bị phát hiện

 

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Tp. Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 bắt giữ 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market (Hà Nội). Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng hàng chứa hàng tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc.

 

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của các mặt hàng. Lái xe cho biết số hàng này chuẩn bị được vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và Tp.HCM để tiêu thụ.

 

Theo giá thị trường, lưỡi vịt có giá 450.000 đồng/kg, trứng gà non 300.000 đồng/kg. Đây được coi là các loại đặc sản và có nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm.

 

Một loại thực phẩm khác cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để dự trữ trong dịp Tết là đùi gà hun khói có xuất xứ Hàn Quốc. Tuy nhiên, vừa qua, kho lạnh An Việt thuộc Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) cũng bị kiểm tra và phát hiện 25 tấn đùi gà không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

 

Đặc biệt, trong đó có 12 tấn đã hết hạn sử dụng từ ngày 9/3/2019, đang được chủ cơ sở gia hạn thêm thời gian sử dụng đến ngày 1/3/2020, để trong các thùng carton chảy nước, có mùi hôi thối.

 

Cũng trong những ngày cuối cùng của năm 2019, Đội Quản lý thị trường số 15 phối hợp với Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phát hiện và thu giữ hơn 1 tấn hàng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trong đó chủ yếu là bánh kẹo và thịt cấp đông tại một điểm tập kết trên phố Linh Đường. Số hàng hóa này được thu gom từ các tỉnh biên giới về tập kết tại Hà Nội để phân phối bán lẻ ra các cơ sở kinh doanh, hàng ăn.

 

Không chỉ tại Hà Nội, mà các địa phương khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh…, lực lượng chức năng cũng liên tục chặn đứng nhiều vụ vận chuyển hàng thực phẩm lậu, không có nguồn gốc.

 

Kẽ hở của siêu thị

 

Mới đây nhất, sáng 31/12/2019, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra một xe ô tô tải và phát hiện trên xe có vận chuyển 450kg sản phẩm động vật (chân giò, nầm lợn, xương lợn, lòng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Đại diện công ty MM Mega Market Việt Nam vừa chính thức lên tiếng về sự việc nêu trên tại siêu thị. Vị đại diện này cho biết do địa điểm phát hiện 2 xe container chở hàng đông lạnh nằm trong sân MM Mega Market, nên thông tin đã gây hiểu lầm rằng công ty có liên quan đến nguồn hàng này.

 

Theo Mega Market, đơn vị đã ký hợp đồng chuyên chở hàng hóa đông lạnh với công ty TNHH Agility Việt Nam. Ngày 27/12, công ty Agility chở đơn hàng đông lạnh cho siêu thị MM Mega Market từ kho lạnh tỉnh Bình Dương ra kho lạnh của siêu thị ngoài Hà Nội.

 

Khuya 29/12, sau khi 2 xe trả hàng xong, theo hợp đồng, các xe container sẽ lấy các khay rỗng từ các kho MM Mega Market Thăng Long (Hà Nội) và siêu thị Hoàng Mai chở về siêu thị của đơn vị ở Bình Dương.

 

Về phía công ty vận chuyển cũng cho biết tất cả lô hàng hóa trên do 2 tài xế tự ý liên lạc và giao dịch với các đối tác bên ngoài và thực hiện việc vận chuyển không thông báo cho công ty.

 

Tuy nhiên, chính lời giải thích của MM Mega Market lại hé lộ những kẽ hở để hàng hóa bẩn có thể trà trộn vào các kệ hàng của siêu thị - nơi vốn được người tiêu dùng tin tưởng, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn hơn so với thị trường để mua sản phẩm cùng loại.

 

Thực tế cho thấy MM Mega Market Thăng Long - trước đây là Metro Thăng Long, cũng đã từng có liên quan đến việc rau không rõ nguồn gốc dán mác rau an toàn bày bán trong siêu thị.

 

Cụ thể, công ty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ - đơn vị cung cấp lượng lớn nông sản cho Metro đã lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp cho siêu thị Metro Thăng Long.

 

Theo một nguyên lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ngay cả những siêu thị có kiểm soát tốt nhất vẫn có khả năng “lọt lưới” các sản phẩm có dư lượng hóa chất độc hại ở khâu thu mua và bảo quản.

 

Thực tế, người tiêu dùng sẽ khó có thể xác minh nguồn gốc thực phẩm không sạch, bởi một tờ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là quá dễ dàng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đông lạnh.

 

Do đó, để đảm bảo việc sử dụng thịt trữ đông an toàn, chất lượng, các đoàn kiểm tra liên ngành cần tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc các loại thịt lưu thông trên thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các khu giết mổ, các kho bảo quản, trữ đông.

 

Bản thân người tiêu dùng cũng cần kiểm tra kỹ các thông tin về nguồn gốc, thành phần, cách bảo quản, hướng dẫn sử dụng và thời gian sử dụng của bất kỳ sản phẩm thịt đóng gói nào. Bên cạnh đó, cần quan sát trạng thái sản phẩm trước khi chọn mua.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang