Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hành vi giả mạo xuất xứ thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép... Thủ thuật gian lận điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó dán nhãn mác của Việt Nam và mang đi tiêu thụ nội địa hoặc xuất đi các nước khác.
Giả mạo xuất xứ hàng Việt để trục lợi
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác “Made in Vietnam” để đánh lừa người tiêu dùng. Lý do là hàng hóa nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi về thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Nhãn mác Việt Nam cũng giúp hàng hóa của Trung Quốc và các nước khác lẩn tránh được hàng rào phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Chiêu bài “ve sầu thoát xác” này tỏ ra cực kì hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng trục lợi thông qua đường tiểu ngạch. Thế nhưng, hậu quả của nó là vô cùng tai hại với nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam đánh mất uy tín với các thị trường khó tính, phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại cứng rắn của nước nhập khẩu. Người tiêu dùng thì bị móc túi trắng trợn, phải bỏ tiền ra mua hàng kém chất lượng. Xem ra là thiệt đơn thiệt kép.
Năm 2018, Hải quan Mỹ từng phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.
Năm 2019, thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TW cho thấy, tình trạng hàng Trung Quốc nhập lậu dán mác hàng Việt vẫn đang rất “nóng”. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng hàng hóa từ Trung Quốc được chuyển tải bất hợp pháp sang Việt Nam để né thuế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho biết, để trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ, nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc tạm nhập sản phẩm vào Việt Nam để lấy xuất xứ “Made in Vietnam”, sau đó tiếp tục xuất sang Mỹ. Kết quả là sản phẩm thép Việt Nam đã bị vạ lây. Tháng 5/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế nhập khẩu chống bán phá giá lên đến 199,76% và thuế đặc biệt lên tới 256,44% cho sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam. Lý do được đưa ra là Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ những sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Mặt khác, trước nay, hoạt động buôn bán tiểu ngạch qua biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra rất phổ biến. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể “lách luật” bằng cách nhập khẩu nguyên liệu đã được chế biến sẵn ở Trung Quốc vốn có giá rẻ rồi về nước gia công thêm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn nhập khẩu nguyên chiếc sản phẩm từ Trung Quốc về nước và dán nhãn mác “Made in Vietnam” hòng tăng lợi nhuận.
Theo thống kê, riêng trong năm 2018, cơ quan hải quan đã phát hiện 6 doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa, nhập hàng nước ngoài song lại cố tình gắn nhãn mác Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.
Đầu năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 4 xe tải vận chuyển một lô hàng lớn từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn, bao gồm: Quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa đều có xuất xứ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm lại gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ nơi sản xuất là tại quận Hà Đông (Hà Nội), có hạn bảo hành 01 năm, có giấy tờ chứng nhận hợp quy chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao.
Thời gian qua, lực lượng hải quan đã phát hiện nhiều vụ giả mạo xuất xứ hàng hóa Made in Vietnam.
Siết chặt quản lý, hoàn thiện quy định
Có thể thấy, hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” nhập về Việt Nam tiêu thụ hoặc xuất đi các trị trường thứ ba đang là mối nguy, gây tác hại khôn lường với các thương hiệu, sản phẩm Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất và dễ thấy nhất chính là việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất uy tín, đứng trước nguy cơ bị tẩy chay vì gian lận thương mại ở các thị trường đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng là bên chịu thiệt lớn khi phải sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng với giá đắt hơn thực tế.
Do đó, hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất “Made in Vietnam” chính là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng hàng ngoại “đột lốt” hàng Việt Nam để tiêu thụ, xuất khẩu. Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những quy chuẩn gắt gao trong việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Cá nhân, tổ chức nào cố tình vi phạm, ghi sai nhãn mác có thể đối diện với những khung xử phạt rất nặng. Ví dụ, tại Canada, gây hiểu lầm, hiểu sai về xuất xứ sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đô la Canada, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 14 năm. Ở Italy, tổ chức, cá nhân cố tình gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chuẩn có thể chịu phạt tới 100 nghìn euro.
Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Bởi vậy, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được thế nào là hàng “Made in Vietnam” và chẳng khác nào người mù đi đêm. Khách hàng chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm cá nhân để tự nhận biết nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoặc đặt hoàn toàn lòng tin vào những nhãn hàng, doanh nghiệp vốn chưa hề được qua kiểm chứng.
Xuất phát từ thực trạng đó, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, đặc biệt không tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy.
Về phía các đơn vị liên quan, Bộ Công Thương cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, đặc biệt lưu ý những mặt hàng, sản phẩm có nguy cơ làm giả xuất xứ cao như hàng tiêu dùng, đồ gia dụng…
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ này đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ cho phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Minh Phương