Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:38:23 GMT+7
Lượt xem: 4506

Tin đăng lúc 10-11-2014

Hàng Việt khó vào siêu thị có vốn nước ngoài

Hàng Việt vào siêu thị chủ yếu là thực phẩm thiết yếu, thường phải chịu mức chiết khấu cao hơn nhiều so với các kênh phân phối khác.
Hàng Việt khó vào siêu thị có vốn nước ngoài
Ảnh minh họa

Hiện nay, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm ở siêu thị thì các nhà sản xuất và doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến kênh phân phối này. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất, doanh nghiệp cho rằng: hàng Việt khó vào siêu thị, nhất là các siêu thị nước ngoài.

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt vào siêu thị, hiện nay, trên các website của Saigon Co.op đều đăng đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục chào hàng, mua hàng và thời gian trả lời. Riêng Saigon Co.op còn cung cấp cả số điện thoại nóng của lãnh đạo để giải quyết những vướng mắc trong thời gian chào hàng và quá trình cung cấp hàng hóa cho siêu thị. Cho nên, hàng Việt vào hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op khá dễ dàng.

 

Bà Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Liêu Thanh cho TNHH biết: 10 năm nay, công ty bán mặt hàng quần áo lót trong hệ thống siêu thị Co.op mart khá thuận lợi. Nhưng ở siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt như Liêu Thanh khó mà chen chân.

 

Đa số các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu các thủ tục như: giấy chứng nhận, kiểm định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế... giống như siêu thị nội, nhưng mức chiết khấu rất cao.

 

Bà Tô Hoa Hồng Điệp sau nhiều lần tiếp cận các hệ thống siêu thị Big C, Lotte để  chào hàng và thỏa thuận đưa hàng vào siêu thị nhưng vẫn chưa được, dù sản phẩm của công ty là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bà Điệp cho rằng, các siêu thị nội dễ tiếp cận hơn siêu thị ngoại. Siêu thị ngoại thường ưu tiên cho hàng nổi tiếng. Chiết khấu của nó cũng cao, thường là 25% nhưng cộng thêm nhiều thứ như tem, khai trương…. Dù cộng thêm nhiều thứ nhưng khi hàng vào rồi, còn thêm nhiều chi phí khác nữa”.

 

Theo khảo sát của phóng viên tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte, Big C... phần lớn những mặt hàng như: điện gia dụng, mỹ phẩm, túi xách, rượu… hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế. Hàng Việt chỉ có mặt nhiều ở lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Và thực phẩm thiết yếu để vào được các kênh siêu thị này thì doanh nghiệp thường phải chịu mức chiết khấu trên 25%, cao hơn rất nhiều so với các kênh phân phối khác.

 

Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chịu nổi mức chiết khấu này. Còn doanh nghiệp lớn, có kênh phân phối riêng thì chỉ đưa hàng vào siêu thị một ít để quảng bá sản phẩm. Cho nên, hàng Việt xuất hiện khá khiêm tốn ở các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.

 

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), một nhà cung cấp các sản phẩm thịt chế biến tại hệ thống siêu thị Big C cho rằng: “Các siêu thị cũng nên quan tâm hơn nữa đối với hàng Việt. Siêu thị nên có chính sách sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào được siêu thị, miễn là hàng đó đạt yêu cầu về chất lượng. Mức độ chiết khấu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có mức vừa hợp lý để doanh nghiệp bán hàng được ở các siêu thị”.

 

Còn theo một số siêu thị ngoại, hiện nay, sức mua của thị trường thấp, trong khi nhà cung cấp hàng hóa rất nhiều, nên họ phải chọn nhà cung cấp tốt nhất về giá cả và chất lượng. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng, hệ thống siêu thị Big C cho biết: “Hệ thống siêu thị Big C sẵn sàng làm việc với các nhà cung cấp để có sản phẩm tốt nhất, giá tốt nhất, dịch vụ tốt nhất với giá trị cộng thêm cho khách hàng”.

 

Về phía siêu thị nội, vẫn sẵn sàng mở cửa cho hàng nội đảm bảo chất lượng, nhưng cũng phải tính đến cân đối cung - cầu. Siêu thị mong muốn nhà cung cấp sản xuất theo nhu cầu và phát huy thế mạnh đặc trưng của từng vùng, miền, để sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ hơn. Để làm được điều này, phải có bài toán quy hoạch tổng thể của từng vùng, miền, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu nguồn cung cho siêu thị.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Công Thương phải quy hoạch vùng để phát huy thế mạnh, cân đối và tập hợp lại nhu cầu. Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và PTNT phải dự báo cho người sản xuất nhu cầu của thị trường, chứ những nhà sản xuất không thể tự biết được nhu cầu đó”.

 

Có thể thấy, hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Cho nên, doanh nghiệp sản xuất rất cần một quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu để có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, rất cần sự liên kết, chia sẻ của nhà phân phối là các siêu thị ngoại.

 

Theo Lệ Hằng

VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang