Ông Dương Duy Hưng- Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”của Ngành Công Thương.
Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tại Hội thảo “Hàng Việt Nam vì người tiêu dùng Việt Nam” do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, ông Dương Duy Hưng - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, đã có 63% người tiêu dùng quyết định sẽ chọn hàng Việt Nam khi đi mua sắm, 54% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam… Đặc biệt, qua mỗi năm, xu hướng lựa chọn hàng nội ngày càng tăng cao hơn, do chất lượng hàng Việt ngày càng tốt hơn và mẫu mã cũng phong phú hơn.
Ông Hưng cũng chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương. Theo ông Hưng, trong 5 năm qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động. Các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài và quan trọng của đất nước, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh sức lan tỏa của Cuộc vận động. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã lồng ghép các nội dung của Cuộc vận động vào nhiệm vụ thường xuyên của ngành Công Thương. Đó là lồng ghép vào hoạt động xúc tiến thương mại; triển khai Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, dẫn đến tỷ lệ sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng tăng. Bộ Công Thương cũng đã lồng ghép các nội dung của Cuộc vận động vào chương trình bình ổn thị trường. Đây là giải pháp hiệu quả thực hiện Cuộc vận động bởi nguồn hàng cho chương trình bình ổn thị trường chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã lồng ghép Cuộc vận động vào hoạt động khuyến công, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước.
Sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, theo kết quả khảo sát gần đây, từ khi phát động cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia- Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được thì lĩnh vực sản xuất trong nước vẫn tồn tại nhiều hạn chế, mẫu mã chủng loại hàng hóa chưa đa dạng, giá cả chưa cạnh tranh. Do vậy, để Cuộc vận động phát huy hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện công tác vận động tuyên truyền, nhưng như vậy thôi chưa đủ, mà quan trọng là phải nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt. Và doanh nghiệp phải thực sự “sản xuất hàng Việt Nam vì người tiêu dùng Việt Nam”- GS. TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, với sự mở cửa thị trường thông qua các FTA, nếu doanh nghiệp trong nước không có chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả thì nguy cơ thua trên sân nhà là hiện hữu. Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng áp dụng công nghệ mới, để nâng chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, thì người tiêu dùng mới thực sự ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Lê Kim Liên
baocongthuong.com.vn