Năm 2018 là năm thứ ba, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gặp gỡ đối thoại với công nhân lao động. Trước đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ 3.000 công nhân các tỉnh phía Nam tại tỉnh Đồng Nai; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đối thoại với 2.000 công nhân các tỉnh miền Trung tại TP. Đà Nẵng.
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sở dĩ chủ đề công nhân, người lao động lập thân, lập nghiệp xây dựng quê hương được chọn cho cuộc gặp với Thủ tướng năm nay là do tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp nhanh ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Hệ quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không đủ để duy trì cuộc sống… khiến nhiều lao động nông thôn phải đến các thành phố lớn tìm kiếm việc làm, có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, việc người dân di cư đến các thành phố làm việc không những làm cho các tỉnh mới phát triển công nghiệp, như: Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… thiếu lực lượng lao động trẻ, có trình độ, mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và nhiều vấn đề xã hội khác.
Để người lao động yên tâm sống quay trở về làm việc tại quê hương và thu hút các doanh nghiệp đầu tư khởi nghiệp tại địa phương, cần phải có các giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả.
Ngày 19/4/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị về phát triển hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trong tháng 6/2018. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ trực tiếp chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, mở ra những điều kiện mới để tổ chức Công đoàn, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động; trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Theo Đề án, tổ chức công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 căn hộ, 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 điểm chăm sóc y tế, 50 trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, 50 phòng tư vấn pháp luật...
Từ ngày 1 đến 31/5/2018, Tháng hành động quốc gia về an toàn vệ sinh lao động lần thứ hai sẽ diễn ra trên phạm vị cả nước với nhiều hoạt động. Mục đích cao nhất của Tháng hành động là huy động sự vào cuộc của các địa phương, các bộ, ngành và giới chủ sử dụng lao động thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn lao động của người lao động. Từ đó, hướng tới mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn lao động, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp và cộng đồng người lao động.
Trong khuôn khổ Tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp và một số đơn vị; hội nghị, hội thảo, thi an toàn, vệ sinh viên, góc trưng bày, triển lãm tranh ảnh về an toàn vệ sinh lao động và một số hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động; Ban chỉ đạo quốc gia và lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương tiến hành thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.
Đáng chú ý, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay được chú trọng cả hai khu vực có người lao động theo hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động.
Theo các chuyên gia, chỉ khi nào người lao động, chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và tự nguyện nghiêm túc chấp hành mọi quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động thì lúc đó mới đảm bảo được an toàn lao động.
Việc tổ chức Tháng Công nhân năm 2018 gắn với các hoạt động trước thềm Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, qua đó, biểu dương lực lượng đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động hướng tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên với tổ chức công đoàn; khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. |
Theo báo Công Thương