Thứ Sáu, 22/11/2024 03:02:26 GMT+7
Lượt xem: 522

Tin đăng lúc 30-04-2024

Hành trình đến thịnh vượng

Nghị quyết số 41-NQ/TW đã thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng về vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong hành trình đưa đất nước tiến đến thịnh vượng.
Hành trình đến thịnh vượng
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045

Một sự thật hiển nhiên là với bất cứ quốc gia, dân tộc nào thì sự chia cắt về lãnh thổ, chia rẽ dân tộc đều sẽ dẫn tới sự suy yếu sức mạnh của đất nước. Với nước ta, ngay trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” đọc trước quốc dân đồng bào từ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo nguy cơ khi thực dân Pháp “lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”.

 

Độc lập và thống nhất

 

Thường xuyên phải đối diện với họa ngoại xâm đã khiến yêu nước trở thành một phẩm chất, một truyền thống nổi bật của con người Việt Nam. Độc lập và thống nhất cũng là khát vọng bền vững của dân tộc Việt Nam.

 

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định lại khát vọng nêu trên, thông qua một khẩu hiệu ngắn gọn: “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm”. Những năm tháng chiến tranh sau đó đã lấy đi của dân tộc Việt Nam rất nhiều nguồn lực và cơ hội phát triển. Thế nhưng, cũng chính những hy sinh và kết quả đạt được vào ngày 30/4/1975 đã trở thành minh chứng thuyết phục về khát vọng độc lập, thống nhất, và truyền thống đấu tranh chống lại những các thế lực ngoại bang, bảo vệ đất nước với tư cách là một khối không thể tách rời.

 

Vào ngày 30/4/1975, khi những nỗ lực bền bỉ của cả dân tộc Việt Nam đã chuyển hóa thành kết quả là non sông thu về một mối, đất nước thống nhất.

 

Tuy nhiên, sau chiến tranh, tình trạng kinh tế đất nước sau năm 1975 cho đến năm 1986 đã cho chúng ta thấy rằng độc lập, thống nhất mới chỉ là khởi đầu cho chặng đường vươn tới mong muốn của Bác Hồ “sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

 

Niềm vui trọn vẹn

 

Bởi đích đến niềm vui trọn vẹn chính là sự thịnh vượng của đất nước. Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khát vọng thịnh vượng đó còn mang định hướng xã hội chủ nghĩa, thịnh vượng dựa trên nền tảng nhân văn, nhân ái, tức là sự phát triển vì con người. Cũng có nghĩa, chỉ khi nhân dân cả nước được thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc thì niềm vui của một đất nước thống nhất, một dân tộc độc lập mới đạt đến trọn vẹn.

 

Tính đến năm 2009, hơn hai thập kỷ thực hiện các chính sách đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Mặc dù quãng đường đi đến mục tiêu “quốc gia thịnh vượng” vẫn còn khá xa nhưng chúng ta cũng có quyền tự hào về những thành quả bước đầu, cơ sở cho sự tự tin hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

 

Mới đây, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra tầm nhìn lãnh đạo cho giai đoạn mới: đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Có thể nói, hiện thực hóa được khát vọng Việt Nam 2045 không chỉ đáp ứng đúng những kỳ vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam, mà còn thực hiện được mong ước của Bác Hồ năm xưa: “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

 

Tuy nhiên, thực tế phát triển từ một số quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... gợi ra cho chúng ta về nguy cơ đất nước có thể sẽ loay hoay trong “bẫy thu nhập trung bình”, tức là không thể nâng mức GDP bình quân đầu người vượt qua 10.000 USD/năm. Vì thế, nếu không thể đưa đất nước phát triển bứt phá để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thì Nhà nước sẽ lỡ hẹn với nhân dân, với dân tộc về một “niềm vui trọn vẹn”.

 

Đột phá thể chế

 

Lịch sử phát triển của nhân loại cũng như tiến trình đổi mới ở nước ta đã khẳng định một thực tế: sự giàu có, thịnh vượng của mỗi quốc gia sẽ luôn gắn với thể chế kinh tế thị trường. Nhận thức rõ quy luật vận động của xã hội loài người, các văn kiện đại hội Đảng từ năm 1986, đặc biệt là từ sau những năm 2000 đến nay luôn xác định tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển đất nước.

 

Mới đây, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển với ưu tiên là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được Đại hội XIII xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược số 1. Nói cách khác, về nhận thức thì chúng ta có thể đồng thuận rằng mục tiêu “quốc gia thịnh vượng” sẽ khó có thể đạt được trong hai thập kỷ tới nếu không tạo ra được những đột phá thực sự về thể chế và chính sách phát triển nền kinh tế thị trường, đáp ứng các tiêu chí hiện đại.

 

Doanh nghiệp và doanh nhân là những chủ thể trung tâm của nền kinh tế thị trường. Vì thế, một trong những chỉ báo đáng tin cậy cho sự đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sự gia tăng số lượng cũng như chất lượng của các doanh nghiệp và doanh nhân trong nước. Sự gia tăng của doanh nghiệp và doanh nhân cũng đồng nghĩa với môi trường kinh tế thuận lợi, hoạt động sản xuất và kinh doanh sôi động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế.

 

Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định quan điểm rõ ràng của Đảng coi các doanh nhân là một lực lượng nòng cốt trong tiến trình phát triển đất nước. Hướng tới tầm nhìn lãnh đạo 2045, Nghị quyết số 41-NQ/TW đã thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng về vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong hành trình đưa đất nước tiến đến thịnh vượng.

 

Thách thức đặt ra hiện nay là thể chế hóa các quan điểm, chủ trương đúng đắn của Nghị quyết số 41. Chừng nào các doanh nhân, doanh nghiệp có được vị thế nổi bật, trở thành lực lượng dẫn dắt tiến trình phát triển thì chừng đó chúng ta có cơ sở để tự tin về một đất nước thịnh vượng và một niềm vui trọn vẹn cho cả dân tộc.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang