Thứ Tư, 16/04/2025 02:36:53 GMT+7
Lượt xem: 135

Tin đăng lúc 14-04-2025

Hành trình “Về với cội nguồn cách mạng” của PC Bắc Kạn và PC Bình Phước

Nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm ngày thành lập Công ty, đoàn công tác của Công ty Điện lực Bắc Kạn (PC Bắc Kạn) và Công ty Điện lực Bình Phước (PC Bình Phước) đã có chuyến tham quan đầy ý nghĩa tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Tuyên Quang. Chuyến đi này không chỉ mang ý nghĩa về mặt chuyên môn mà còn là dịp để các cán bộ, nhân viên hai Công ty ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa của đất nước.
Hành trình “Về với cội nguồn cách mạng” của PC Bắc Kạn và PC Bình Phước
Đoàn công tác PC Bắc Kạn và PC Bình Phước chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích Cây đa Tân Trào

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trong khu ATK (An toàn khu) thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Đoàn tham quan đã đến với cụm di tích lịch sử Nà Nưa, nơi ghi dấu những hoạt động quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, các thành viên trong đoàn được nghe kể về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong những năm tháng đầy gian khổ nhưng cũng rất hào hùng. Lán Nà Nưa không chỉ là nơi ghi dấu lịch sử, mà còn là chứng nhân của những quyết định quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

 

Cụm di tích Nà Nưa bao gồm các di tích: Lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng. Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.

 

Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo. Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

 

Tiếp theo hành trình, đoàn đã tới khu di tích Cây đa Tân Trào, một chứng nhân lịch sử, đã ghi dấu một mốc son chói lọi. Chính dưới bóng cây đa cổ thụ này, vào chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm lễ xuất quân hào hùng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu toàn quốc và nhân dân địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, thúc giục quân đội tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Đứng dưới tán cây đa, mỗi thành viên trong đoàn không khỏi xúc động khi tưởng nhớ về những hi sinh, gian khổ mà các thế hệ đi trước đã trải qua để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

 

Điểm cuối trong hành trình, đoàn đã ghé thăm Đình Hồng Thái. Vào năm Khải Định thứ 4 (1919), Đình Hồng Thái được dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, gồm ba gian, hai chái, mái lợp lá cọ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương. Đình Hồng Thái thờ thành hoàng làng, các vị thần sông, thần núi xung quanh vùng.

 

 

Ông Hà Huy Tâm – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành tại đơn vị với PC Bắc Kạn và PC Bình Phước

 

Ngoài giá trị văn hóa và tín ngưỡng, đình Hồng Thái còn mang nhiều giá trị lịch sử. Đây là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi Người từ Pác Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Đình cũng được chọn làm nơi đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (từ ngày 13 - 15/8/1945) và Quốc dân Đại hội (từ ngày 16 - 17/8/1945). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), đình Hồng Thái trở thành trụ sở của Ban bảo vệ an toàn khu (ATK), được coi như phòng thường trực của các cơ quan Trung ương đóng quanh vùng. Đình còn là trụ sở làm việc của bộ phận Tiếp tế ATK. Sau khi bộ phận này chuyển đi, nhiều đơn vị bộ đội đã về đóng quân tại đình để huấn luyện và làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương.

 

Trong khuân khổ chương trình, Đoàn công tác đã đến giao lưu về công tác quản lý vận hành với Công ty Điện lực Tuyên Quang. Tại đây, các đơn vị đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện.

 

Chuyến tham quan không chỉ là dịp để các cán bộ của PC Bắc Kạn và PC Bình Phước hiểu thêm về các di tích lịch sử, mà còn là một cơ hội quý báu để mỗi người thêm trân trọng và phát huy tinh thần đoàn kết, lao động cống hiến, giống như những thế hệ đi trước đã làm để xây dựng đất nước. Khẳng định sự gắn bó chặt chẽ của ngành điện với các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc./.

 

Thành Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang