Theo phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng được biết, những năm gần đây, cái gọi là “Thẻ TKĐ” hay “thiết bị TKĐ” với mọi hình thức, nhãn mác đã từng được các chuyên gia ngành Điện cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng khuyến cáo rất nhiều. Đó là một sản phẩm “lừa đảo”, lợi dụng tâm lý chi tiêu tiết kiệm và thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Nếu bạn muốn hiểu rõ tại sao lại khẳng định đó là sản phẩm “lừa đảo” thì chỉ cần gõ máy vi tính cụm từ “sự thật về thẻ TKĐ thông minh” và click “chuột” hay nhấn phím “enter” là có ngay tới hơn 9,1 triệu kết quả tìm kiếm trong vòng 0,45 giây giải thích cặn kẽ về vấn đề này.
Những cảnh báo đại chúng “nhan nhản” là thế, ấy vậy mà mới đây, trong thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19, cô bạn tôi – Nguyễn Thị Huyền cư trú ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội gọi điện hỏi:
-“Ông H ơi, trên facebook của tôi xuất hiện một tài khoản mang tên: Thẻ TKĐ Vietcapital Power rao bán sản phẩm khá hấp dẫn, giúp TKĐ đến 30% trên hóa đơn điện hàng tháng, mà giá cả lại rẻ, khoảng 1,5 triệu/sản phẩm, hàng công nghệ châu Âu, tuổi thọ cao từ 5 – 7 năm, lắp đặt đơn giản thuận tiện. Tôi thấy rất thích sản phẩm này và đang định đặt mua, lắp đặt ngay cho tiết kiệm chi tiêu mùa dịch bệnh. Ông hay viết bài cho ngành Điện, thử hỏi, tôi có nên mua bây giờ không?”.
Nghe vậy, tôi tá hỏa, cảnh báo ngay: “Ấy chết, cẩn thận, mắc lừa đấy! Bạn lấy ngay smart phone để tìm hiểu cặn kẽ về sản phẩm này trên mạng nhé! Tất tần tật đều giải thích rõ ràng trên đấy hết! Gian thương chỉ lợi dụng đúng, trúng tâm lý của người tiêu dùng đang có nhu cầu vì đại dịch khó khăn mà nhẹ dạ cả tin đó. Nhiều khi khôn 3 năm mà chót dại… cũng vì thế đấy!”.
Cô bạn tôi chợt nhận ra chân tướng, vội vàng cười nói: “May thế, may mà tôi gọi điện… không thì…”.
Về loại thẻ, thiết bị TKĐ này, trong tháng 3/2020 vừa qua, một lần nữa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại mới đưa ra cảnh báo để cảnh tỉnh người tiêu dùng rộng khắp. Đó là không có cái gọi là “thẻ, thiết bị TKĐ thông minh” như nhiều người tiêu dùng nhẹ dạ, không hiểu biết về điện vẫn lầm tưởng. Nếu có thiết bị đó, thì cũng chỉ là một dạng hình thức ăn cắp điện, gây thiệt hại cho ngành Điện, cho lợi ích quốc gia và gây thiệt hại cho chính người dùng và rất cần sự thẳng thắng đấu tranh, lên án hiện tượng kinh doanh bất chính này.
Một tài khoản thẻ tiết kiệm điện trên mạng xã hội cần cảnh giác
Theo EVN, những loại “thiết bị siêu TKĐ” được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ lại mới xuất hiện gần đây đã được các chuyên gia kỹ thuật điện vạch trần. Kiểm chứng thực tế cho thấy, các thiết bị này hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy. Đặc biệt, các thiết bị đó hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả TKĐ như quảng cáo.
Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Ông Trần Văn Thịnh - Trưởng bộ môn Thiết bị điện - điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) từng cho biết, thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 - 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị TKĐ chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây... trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 - 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.
Do vậy, người tiều dùng muốn TKĐ, cần luôn có ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà ngành Điện khuyến cáo và dùng thiết bị gắn nhãn năng lượng có nhiều sao được Bộ Công Thương kiểm định…
Hà Đăng