Thứ Hai, 25/11/2024 06:53:21 GMT+7
Lượt xem: 2667

Tin đăng lúc 16-07-2017

Hãy cùng Bộ Công Thương xây dựng chính sách và đối sách!

Đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn trưởng các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017 - 2020, tổ chức sáng 14/7/2017 tại Hà Nội.
Hãy cùng Bộ Công Thương xây dựng chính sách và đối sách!
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc gặp mặt và làm việc với các tân Đại sứ và Tổng lãnh sự

Xây dựng chất lượng cho kỳ vọng mới

 

Cuộc gặp và làm việc giữa tư lệnh ngành Công Thương - ngành kinh tế chiếm trên 60% GDP cùng các đại diện cao nhất của Việt Nam tại một số nước và khu vực sáng nay tại trụ sở Bộ Công Thương đã phản ánh những kỳ vọng mới. Đó là những kỳ vọng trong việc tạo chất lượng mới, phong cách làm việc mới của sự kết nối giữa cơ quan hoạch định chính sách trong nước và cơ quan đại diện ngoại giao nước Việt Nam ở nước ngoài không chỉ hướng đến những mục tiêu của ngoại giao kinh tế.

 

“Chính các đồng chí cũng sẽ tham gia hoạch định chính sách cùng Bộ Công Thương để chuyển tải thông điệp hàng hóa Việt Nam thực sự là hàng hóa có chất lượng tới các thị trường thế giới. Tôi muốn nhấn mạnh thêm là không chỉ chính sách mà còn giúp Bộ Công Thương cả về đối sách nữa”, Bộ trưởng nói.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phân tích lý do khi đưa ra nhận định này. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang lên đến mức cao như hiện nay cùng với việc hình thành nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, nhiều "hàng rào" thuế quan được dỡ bỏ nhưng cũng là lúc xuất hiện các "hàng rào" phi thuế quan gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc thủ tục hành chính. Mức độ khốc liệt của các “hàng rào” mới này cũng không hề kém cạnh.

 

 

Đại sứ Vũ Quang Minh - Trưởng Đoàn phát biểu tại buổi làm việc

 

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% đang đòi hỏi sự phấn đấu rất cao trong những tháng còn lại của năm 2017 nhưng không phải là không thể đạt được. Trong đó vai trò liên kết kết nối của các Đại sứ, Trưởng đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước là hết sức quan trọng để từ đó giúp Bộ Công Thương trong việc hoạch định các chính sách và đối sách trong quan hệ kinh tế và thương mại với các nước, các thị trường. 

 

Bên cạnh đó Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của các Trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam trong việc cùng Bộ Công Thương tổ chức các thị trường theo chuỗi giá trị để hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn tới các thị trường. Bộ trưởng mong muốn nhận được từ các Đại sứ, Tổng lãnh sự các thông tin, chính sách của các thị trường lớn, đặc biệt là các đối thủ cạnh trạnh lớn với hàng hóa Việt Nam cũng như các thông tin giúp xây dựng chính sách để hình thành các chuỗi sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh được tại các thị trường.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dành nhiều thời gian chia sẻ về hai thị trường trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU khi 6 tháng vừa qua xuất khẩu của Việt Nam sang hai thị trường này sụt giảm. Đây là hai thị trường được xem là góp phần giúp phát triển bền vững và ổn định với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Với thị trường Hoa Kỳ, đã xuất hiện tâm lý bi quan song sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, tâm lý này đã dần được gỡ bỏ. "Thời gian tới, rất cần đến vai trò của cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài thông qua các tiếp xúc vận động. Đặc biệt cần tận dụng cơ hội năm APEC 2017 để gỡ bỏ cho được tâm lý bi quan, nặng nề để đưa quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Với thị trường EU, công việc quan trọng nhất hiện nay là thúc đẩy để sớm ký được FTA giữa hai bên. Bởi theo Bộ trưởng, bản FTA này không chỉ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt từ năm 2020 trở đi mà còn góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta với các đối tác quốc tế. 

 

“Việt Nam tuy đã có khoảng 21 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD nhưng tính thị trường chưa cao và tính bền vững chưa rõ nét”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhận xét. Vì vậy theo Bộ trưởng trong điều hành tới đây, Bộ Công Thương sẽ đổi mới theo sự phát triển của thị trường trọng tâm là bám sát thực tiễn, yêu cầu cụ thể của thị trường, đồng thời làm rõ các năng lực nội tại của doanh nghiệp và các cơ hội của thị trường.

 

Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại 4 vụ phụ trách thị trường như hiện nay gồm Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Thị trường châu Âu, Thị trường châu Mỹ, Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường Âu Mỹ và Vụ Thị trường Á Phi. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo 4 Vụ thị trường nước ngoài của Bộ cùng các trưởng cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài thiết lập "đường dây nóng" cả 2 chiều để có thể trực tiếp trao đổi các thông tin về thị trường cũng như quan hệ ngoại giao, thương mại... ngay khi cần thiết.

 

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu thương mại quốc tế để giúp cho công tác phát triển thị trường được tốt hơn. Bên cạnh đó, tới đây Bộ cũng sẽ thành lập bộ phận giúp khai thác các lợi thế từ FTA mà Việt Nam đã ký. “Cái khó nhất ở đây là duy trì được mối liên hệ giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan đại diện”, Bộ trưởng nhìn nhận.

 

 

Bộ trưởng tặng quà các Đại sứ với thông điệp mang thương hiệu Việt Nam đi xa hơn

 

Bộ trưởng gợi ý các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương nên tổ chức các cuộc làm việc với các Trưởng đại diện ngoại giao Việt Nam theo từng châu lục để trao đổi thông tin, tăng cường công tác phối hợp trước khi các Đại sứ, Tổng lãnh sự lên đường nhận nhiệm sở tại các nước. Đặc biệt Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương phải thường xuyên duy trì mối liên lạc với các Đại sứ, Tổng lãnh sự để khi cần, Bộ trưởng có thể liên lạc trực tiếp với các trưởng đại diện ngoại giao để giải quyết vấn đề, cập nhật thông tin. “Khi cần các đồng chí Đại sứ, Tổng lãnh sự có thể gọi tôi bất cứ lúc nào hoặc là tôi sẽ gọi lại”, Bộ trưởng nói.

 

Đối thoại để cùng tìm ra đối sách

 

Vốn là "người trong cuộc" như nhận xét của các tân Đại sứ có mặt tại buổi gặp (Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) giai đoạn 2000 - 2008) nên nói như Bộ trưởng tại buổi làm việc, Bộ Công Thương dù có tích cực tổ chức hàng loạt đoàn xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm... ra thị trường nước ngoài mà không có sự kết nối, hỗ trợ của các trưởng cơ quan đại điện Việt Nam sở tại thì không thể hiệu quả được. Tại buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần trao đổi cởi mở, đề cập đến những biện pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước cũng như giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương; sự phối hợp của Bộ Công Thương, các tham tán thương mại với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. 

 

Ông Nguyễn Hải Bằng, được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Thái Lan vào ngày 17/8/2017. Trả lời ý kiến của Đại sứ Bằng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong Đại sứ hỗ trợ để hàng hóa Việt Nam vào được các chuỗi siêu thị của Thái Lan. Sau phần phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Trịnh Minh Mạnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần đổi mới hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp giữa hai Chính phủ. Trả lời phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Bỉ - Vũ Anh Quang, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý vị trí địa lý của Bỉ như là cửa ngõ để hàng Việt Nam vào châu Âu. Vị trí của Bỉ cũng cần được đề cao trong bối cảnh Việt Nam và EU đang nỗ lực để tiến tới ký kết FTA giữa hai bên. 

 

 

Tân Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương tặng hoa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh


Liên quan đến phát biểu của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) Vũ Tuấn Hải, Bộ trưởng mong Tổng lãnh sự hỗ trợ để tạo cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt Đại sứ Việt Nam tại Ukraina - Nguyễn Anh Tuấn - thông tin, do tình hình chiến sự tại Ukraina nên một số vùng của nước bạn có nhu cầu tiêu thụ than song không chủ động được nguồn cung. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho biết đã làm việc với đối tác Việt Nam là Công ty Coalimex về khả năng xuất khẩu than sang sang Ukraina, phương thức thanh toán có thể là hàng đổi hàng để giải quyết những rắc rối hiện tại.

 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương chụp ảnh cùng các tân Đại sứ và Tổng lãnh sự

 

Về phần mình, Đại sứ được bổ nhiệm tại Australia Ngô Hương Nam thông tin, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức nước này vào tháng 3/2018. Nhân dịp này hai nước sẽ ký văn bản nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Một triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao cùng hội nghị xúc tiến thương mại sẽ được tổ chức. Tân Đại sứ Ngô Hương Nam cũng đã đề cập một số vụ việc tranh chấp thương mại giữa hai nước gần đây thường hay kéo dài trong khi thực chất lại không phức tạp. Theo quan điểm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong quan hệ với các đối tác (không riêng gì với Australia) cần hết sức thận trọng, có cơ sở để một khi đã “ban” ra là phải khiến phía đối tác “tâm phục khẩu phục”.

 

Cũng tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Phan Văn Chinh - đề nghị các Đại sứ quan tâm giới thiệu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chế biến nông sản để tạo giá trị gia tăng. Liên quan đến xúc tiến thương mại, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bùi Huy Sơn - bày tỏ mong muốn các Đại sứ hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất theo chuỗi, không còn thuần túy là đi bán hàng mà kết nối được với doanh nghiệp lớn của nước ngoài.

 

Cuộc đối thoại và làm việc đã kéo dài hơn dự kiến. Nói như tân Đại sứ Vũ Quang Minh, các Đại sứ và đại diện ngoại giao Việt Nam vừa được bổ nhiệm đều hiểu rõ nhiệm vụ của mình trước khi lên đường tới nhiệm sở.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang