Thứ Sáu, 22/11/2024 12:18:22 GMT+7
Lượt xem: 4881

Tin đăng lúc 15-11-2019

HBT Việt Nam và sự “chuyển mình” mạnh mẽ

Vốn được biết đến là doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành chế tạo máy biến áp tại Việt Nam nhờ những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, thì gần đây, việc phối hợp cùng VinIT thử nghiệm thành công dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma cho xử lý rác thải thực sự là bước “chuyển mình”, tạo đà để Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam tiếp tục đặt nền móng cho những đỉnh cao mới. Sự kết hợp này đã tạo ra một mô hình công nghệ hiện đại đem lại nhiều ích lợi cho xã hội.
HBT Việt Nam và sự “chuyển mình” mạnh mẽ
Hầu hết dây chuyền sản xuất máy biến áp của HBT đã được tự động hóa

Kể từ những ngày đầu khởi nghiệp đến nay đã 11 năm máy biến áp HBT có mặt trên thị trường sản xuất thiết bị điện tại Việt Nam. Thương hiệu đó được xây dựng dựa trên nền tảng của một đội ngũ lao động chất lượng cao kết hợp với sự đầu tư mạnh mẽ vào ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, hầu hết hệ thống dây chuyền, thiết bị của Công ty đã được tự động hóa, cùng với việc trang bị đồng bộ phòng thí nghiệm hiện đại đo được điện áp cao lên tới 100 kV, tần số 100Hz đã giúp HBT đảm bảo thử nghiệm máy biến thế theo đúng tiêu chuẩn TCVN.IEC 60076, ISO/IEC 17025:2001, Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và các tiêu chuẩn tương đương.

 

Vốn dĩ, HBT được biết đến với vai trò là nhà cung cấp các sản phẩm máy biến áp và thành công khi đưa các sản phẩm này có mặt ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn cả nước, trong đó Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội chọn HBT là nhà cung cấp sản phẩm máy biến áp phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội… Bên cạnh thị trường trong nước, với khát vọng mạnh mẽ vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp còn khẳng định được vị thế của mình bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu và lắp đặt máy biến áp tới nhiều quốc gia như: Campuchia, Lào, Myanmar, Sri Lanka… sắp tới là thị trường Trinidad & Tobago cùng nhiều quốc gia Nam Mỹ khác.

 

Đặc biệt, thời gian gần đây, HBT có sự “chuyển mình” mạnh mẽ khi doanh nghiệp đã “bắt tay” với các nhà khoa học tại Viện Công nghệ VinIT tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm hoàn thiện đầu phát Plasma công suất 400 kW – bộ phận cơ bản, công nghệ lõi của Dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ Plasma cho xử lý rác thải tại Việt Nam. Trong đó, HBT là pháp nhân đóng vai trò cung cấp bộ nguồn nuôi cho đầu Plasma, làm nền tảng quan trọng góp phần hoàn thiện mô hình công nghệ hiện đại nhất, lần đầu tiên được thử nghiệm thành công tại Việt Nam và cũng là Đề tài nghiên cứu khoa học mà rất ít quốc gia trên thế giới nghiên cứu ứng dụng.

 

 

Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Quân (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với các đối tác khu vực thí nghiệm máy biến áp

 

Thành công này bước đầu đã tạo được tiếng vang, được các cơ quan chức năng nhà nước và dư luận đánh giá cao, song trước mắt còn nhiều thách thức. Những khó khăn về điều kiện nghiên cứu, cơ sở vật chất và áp lực thời gian, đó là làm thế nào để đạt mục tiêu nhanh nhất tìm ra công nghệ để giải quyết vấn nạn của xã hội là chất thải rắn sinh hoạt một cách an toàn, hiệu quả, chính là bài toán đau đầu cho các nhà khoa học cũng như đơn vị thực hiện dự án này. Bởi công nghệ xử lý rác thải, bản thân dòng Plasma là trạng thái của vật chất ở nhiệt độ cao, từ 10.000 - 20.000 độ C, ở nhiệt độ đó thì tất cả các phân tử cồng kềnh, gốc Cacbon Hydro đều bị phân tách thành các phân tử đơn giản hơn, không độc hại, hoặc phân tách thành các chất vô cơ. Ngoài ra công nghệ Plasma này còn cho phép sử dụng năng lượng có trong rác, đó là công nghệ khí hóa Plasma.

 

Khí hóa Plasma nói tóm tắt là dùng năng lượng của sóng Plasma để biến đổi Cacbon Hydro có trong rác thành khí tổng hợp và khí tổng hợp đó có thể dùng để chạy máy phát điện. Nguồn năng lượng từ điện năng của rác không những bù lại nguồn điện năng phục vụ cho những đầu Plasma, thừa ra còn có thể cung cấp phát trên lưới điện và như vậy, công nghệ khí hóa Plasma có thể nói là giải quyết được đồng thời hai nhiệm vụ. Một là, giải quyết về môi trường triệt để nhất, hai là sử dụng rác thải như một nguồn năng lượng tái tạo để phát điện. Chính vì vậy công nghệ Plasma là một trong những công nghệ được thế giới chú ý quan tâm phát triển và là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để xử lý rác thải.

 

 

Đầu phát Plasma công suất lớn 400 kW

 

Với việc hoàn toàn làm chủ mô hình công nghệ này, thì việc ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam chỉ là vấn đề sớm muộn bởi chi phí cho việc thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành có giá thành nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới.

 

Theo ông Nguyễn Đăng Quân – Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Biến thế HBT Việt Nam: “Công nghệ Plasma cho phép quá trình xử lý rác thải không sinh ra các chất độc hại như đi Dioxin hay khí Furan, đó là những chất gây ung thư cho con người, đây là ưu điểm lớn nhất của công nghệ này khi mà vấn đề rác thải đối với riêng Việt Nam đang rất nhức nhối, đặc biệt ở các khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Về phía HBT, doanh nghiệp lần đầu tiên có sự phối hợp cùng các nhà khoa học thực hiện một dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay và có tính ứng dụng cộng đồng cao. Thành công này sẽ giúp tập thể CBCNV-NLĐ đang làm việc tại HBT có thêm động lực để không ngừng tư duy, đổi mới, liên tục sáng tạo phát triển. Có thể nói, đây là sự khởi đầu hoàn hảo và là bước ngoặt, làm “bệ phóng” để HBT sẽ tiếp tục hợp tác triển khai nhiều dự án mới trong thời gian tới”.

 

Thành công từ cái bắt tay giữa HBT và VinIT chính là một trong những lợi ích lớn nhất của việc hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, mà ở đây, những doanh nghiệp như HBT với thế mạnh của mình đã tận dụng hiệu quả chất xám của các nhà khoa học cùng đội ngũ sản xuất, khai thác thị trường của mình giúp các đề tài nghiên cứu được “thoát mình” khỏi phòng thí nghiệm và đi vào thực tiễn nhanh nhất, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang