Hiện nay, tình trạng quá tải bệnh nhân ở các tuyến bệnh viện lớn trực thuộc Trung ương đã gây ra áp lực đáng kể lên đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là các nhân viên điều dưỡng, trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc và khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Chỉ tính việc vận chuyển thuốc, dụng cụ y tế từ nơi này đến nơi khác cũng đã tiêu tốn nhiều thời gian và nhân lực, do các phương pháp vận chuyển ở các bệnh viện vẫn còn thô sơ và dùng sức người di chuyển là chính.
Hệ thống vận chuyển mẫu bằng khí nén (PTS) đã được một số ít bệnh viện trên địa bàn TPHCM trang bị. PTS được dùng để vận chuyển các mẫu xét nghiệm từ khoa này đến khoa khác bằng cách tạo các đường hút và đẩy hộp vật tư trong hệ thống đường ống. PTS có ưu điểm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh, vận chuyển nhanh chóng, không gây tiếng ồn. Tuy nhiên, tải trọng vận chuyển qua đường ống lại hạn chế, khó điều phối vật phẩm giữa các trạm cần đến một cách liên tục. Nếu hệ thống có nhiều trạm dừng thì phải thiết kế đường ống khá phức tạp. Ngoài ra, việc vệ sinh, bảo trì đường ống cũng phức tạp, chi phí đầu tư cao,… Vì vậy, hệ thống này đang được sử dụng tại các bệnh viện như 115, quận 11,… chỉ để vận chuyển các mẫu xét nghiệm từ điểm đến điểm.
Nhằm giảm tải sức lao động và nhân lực trong việc vận chuyển thuốc và y cụ, TS Phạm Văn Anh cùng các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa đã thiết kế và chế tạo hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ tự động.
Hệ thống được thiết kế theo dạng module để dễ dàng mở rộng và điều khiển, gồm các bộ phận như ray dẫn (được nhóm thiết kế dựa trên nền tảng hệ thống ray dẫn bám trên trần nhà của Telelift, Đức), băng tải, khung đỡ băng tải, phần mềm điều khiển,… Hệ thống mang được khối lượng tối đa 7kg, tốc độ vận chuyển tối đa từ 0,3 – 0,5m/s. Hệ thống có khả năng vận chuyển liên tục và có thể có nhiều thùng thuốc hoặc y cụ cùng di chuyển trên toàn bộ hệ thống.
Nhóm đã tiến hành lắp đặt một hệ thống thu nhỏ tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách khoa, theo như sa bàn tại Bệnh viện Quận 11. Hệ thống bao gồm 3 trạm tương ứng với khoa Dược, khoa ICU và khoa Nhi được dẫn động bằng hệ các module băng tải, xích nhựa treo lên cao.
Chương trình điều khiển hệ thống được nhóm xây dựng trên phần mềm Qt Creator, để điều khiển hoạt động của toàn bộ các module băng tải trong hệ thống. Công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) được nhóm sử dụng để nhận diện, phân loại sản phẩm đúng vào nơi lưu trữ.
Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ trong bệnh viện” của nhóm đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.
Theo Khoahocphattrien