Dự Hội thảo còn có Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; Đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; và sự tham dự của trên 250 đại biểu là Lãnh đạo đại diện Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ; các Bộ, Ban, ngành; Lãnh đạo các tỉnh, Thành phố Trực thuộc Trung ương; các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định: "Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh tình hình mới".
Các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục nhiều năm. Giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỉ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 6,9%/năm giai đoạn 2006-2015, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục.
Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình phát biểu
Quan trọng hơn, phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, điển hình như: Công nghiệp nước ta đang ở trình độ thấp, chủ yếu đang phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các FDI với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa cao, thiếu bền vững. Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chúng ta không thiếu về chích sách phát triển công nghiệp. Bên cạnh một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động tạo sự đột phá, thì còn nhiều chính sách được ban hành còn chưa kịp thời và ít tác dụng. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”. Cân nhắc những chính sách ưu đãi phải dựa trên nguồn lực nội tại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đưa ra 4 gợi ý để phát triển công nghiệp như phát triển công nghiệp chế biến, cần tập trung giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” của các sản phẩm chế biến, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm; Trong lĩnh vực đầu tư cần lựa chọn, tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng dàn trải; Trong lĩnh vực thị trường, cần xác định phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp; và Trong lĩnh vực liên kết ngành, cần phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng như xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách; lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển; đa dạng trong việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài; loại bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp...phù hợp với định hướng phát triển của thế giới trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nguồn: Báo Công Thương