Chủ Nhật, 24/11/2024 11:44:22 GMT+7
Lượt xem: 3351

Tin đăng lúc 06-02-2020

Hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA

Ủy ban Thương mại châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Đây là một cơ hội tốt để Việt Nam chớp thời cơ tranh thủ có những định hướng chiến lược.
Hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA
Lộ trình thực hiện EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Không chỉ với Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc thắt chặt mối quan hệ làm ăn với Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ cho sự tiến bộ. Bởi “lục địa già”- cho đến bây giờ vẫn được xem là nơi tựu trung mật độ cao tinh hoa nhân loại.

 

Việt Nam và EU, mối quan hệ đặc biệt

 

Rất nhiều quốc gia muốn có dòng vốn, công nghệ, nhân sự, mô hình quản lý phát triển của châu Âu. Trong xu thế thương mại mở rộng tột đỉnh như hiện nay bất kỳ quốc gia nào cũng muốn tiến vào thị trường EU để vừa là nơi ổn định vừa là “lá tem” kiểm định chất lượng vô cùng chắc chắn.

 

“Tây học” là thuật ngữ rất sang trọng chỉ một bộ phận ít ỏi được tiếp thu văn hóa, kiến thức, giáo dục phương Tây mà trong đó châu Âu là dòng chảy chủ đạo. Tóm phần lớn các giá trị châu Âu vẫn rất có trọng lượng trong con mắt người Việt.

 

Từ lịch sử Việt Nam có mối quan hệ rất đặc biệt với châu Âu, có thể lấy dấu mốc là khi thuyền buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến Hội An. Nhưng đậm đặc nhất có lẽ khi thực dân Pháp có mặt tại An Nam, theo đó văn hóa Pháp, đặc điểm châu Âu đã hình thành và tồn tại ít nhiều ở nước ta cho đến tận hôm nay.

 

Năm 1990 Việt Nam và cộng đồng châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khoảng thời gian chưa thể gọi là dài nhưng hai bên liên tục thúc đẩy, nâng cấp quan hệ bằng hàng loạt chương trình, hiệp định thương mại khuôn khổ ngành, lĩnh vực.

 

 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) ký ngày 30/6/2019  tại Hà Nội đã được Ủy ban Thương mại Châu Âu thông qua vào ngày 21/1/2020 .

 

Doanh nghiệp hai bên bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đầu tư, hàng hóa Việt Nam cũng bắt đầu hiện diện tại châu Âu, nhưng không hề suôn sẻ chút nào bởi các quy chuẩn chất lượng ngặt nghèo, khoảng cách địa lý xa xôi trong khi hệ thống logictics của ta chưa đủ lực để vươn tới.

 

Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, nhất là tấm “thẻ vàng” thủy sản, nông dân, doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh.

 

Năm 2018, EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt gần 42 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó. Trong 8 năm gần đây, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng trung bình năm trên 14%.

 

Cơ hội từ thuế nhưng còn nhiều rào cản

 

Sau gần 10 năm, “quả ngọt” đã được tạo ra trong mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp giữa EU và Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) đã ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội và được Uỷ ban Thương mại châu Âu thông qua ngay trước Tết Nguyên đán 2020.

 

Đây là minh chứng rõ ràng về một giai đoạn ngoại giao rất thành công của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các Bộ, ngành. Bởi vì, EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất, với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

 

Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí, hạ giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh. Chủ động thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các nước thuộc nhóm EU.

 

Tuy nhiên, muốn hưởng được mức thuế ưu đãi hàng hóa từ Việt Nam phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn rất cao. Hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu sau:

 

Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu, nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%.

 

Đây lại là một thử thách rất khó, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế gia công. Đơn cử như ngành dệt may phụ thuộc 50% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, ngành chăn nuôi phải nhập khẩu con giống, thức ăn, thuốc men từ nhiều nước.

 

Về sở hữu trí tuệ, thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ. Tình trạng đánh cắp bản quyền, nhãn hiệu, logo khá phổ biến, trong khi đây là yêu cầu đặt ra hàng đầu của EU đối với bất kỳ hàng hóa tham gia vào thị trường này.

 

Các quy chuẩn sử dụng lao động cũng là một yếu điểm ở Việt Nam, chưa có thói quen lao động đúng giờ, môi trường làm việc, chế độ nghỉ ngơi, quyền lợi “mềm” của người lao động chưa được chú ý.

 

Nếu có một chút so sánh thì Hiệp định EVFTA còn khó nhằn hơn cả CPTPP. Thành bại của mối quan hệ thương mại Việt Nam - EU hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và thái độ của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Theo Enternews

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang