Theo nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí khoa học Science Advances, tất cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra gần đây như cháy rừng tại California (Mỹ), những đợt nắng nóng tại châu Âu, lũ lụt tại Nhật Bản ... đều có mối liên hệ với việc tốc độ lưu thông không khí bị giảm xuống, làm đình trệ các hệ thống khí hậu.
Trưởng nhóm nghiên cứu nói trên là Michael Mann, nhà khoa học khí hậu tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết, tất cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra gần đây đều có nguyên nhân là hiện tượng “ấm lên” tại Bắc cực, gây ra sự gián đoạn dòng chảy của dòng không lưu.
Dòng không lưu, hay những cơn gió thổi từ phía tây sang phía đông ở trên cao, được tạo ra bởi sự khác biệt về nhiệt độ không khí giữa khu vực không khí lạnh của Bắc cực và khu vực không khí nóng tại những vùng nhiệt đới.
Tuy nhiên, việc nhiệt độ không khí tại Bắc cực đang ấm lên nhanh gấp từ hai đến ba lần so với những nơi khác trên Trái Đất, đang làm giảm “sự khác biệt về nhiệt độ” nói trên, đồng thời làm chậm lại sự lưu thông của dòng không lưu.
Giống như một “dòng sông không khí chảy chậm”, không khí trong “dòng sông” này sẽ chảy quanh co và thậm chí có thể tạm ngừng cả vài tuần lễ vào mùa hè.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một mô hình mô phỏng về hiện tượng tạm dừng của dòng không lưu, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, và chỉ ra rằng, từ nay cho đến năm 2100, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, có thể gấp ba lần so với hiện tại.
Theo đồng tác giả của nghiên cứu Kai Kornhuber, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (Đức), nếu tính trung bình thì khả năng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn sẽ ổn định ở mức 1,5 lần so với hiện tại.
Trưởng nhóm nghiên cứu Michael Mann cho rằng, bên cạnh việc xảy ra thường xuyên hơn, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hoá thạch.
Việc sử dụng tràn lan các nguyên liệu hoá thạch là nguyên nhân chính dẫn tới việc tăng lượng khí phát thải ra bầu khí quyển, gây ra hiệu ứng nhà kính và hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc đóng của các nhà máy sử dụng nguyên liệu hoá thạch sẽ làm giảm thiểu khả năng xảy ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong tương lai.
“Mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn rất nhiều nếu chúng ta không ngay lập tức có những hành động cắt giảm lượng khí phát thải”, Trưởng nhóm nghiên cứu Michael Mann nhấn mạnh.
Thành phố Venice (Italia) "chìm" trong nước do mực nước biển dâng. Ảnh: ANDREA MEROLA, ANSA
Trong một thông cáo báo chí, đồng tác giả của nghiên cứu Stefan Rahmstorf (cũng thuộc Viện nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu Potsdam – Đức) khẳng định, việc cắt giảm lượng khí phát thải tại các nước công nghiệp mang đến khả năng hồi phục “sự khác biệt về nhiệt độ” giữa Bắc cực và khu vực nhiệt đới (khu vực địa lý trên Trái Đất nằm trong khoảng có đường ranh giới là hai đường chí tuyến: hạ chí tuyến ở Bắc bán cầu và đông chí tuyến ở Nam bán cầu, bao gồm đường xích đạo).
Cắt giảm lượng khí phát thải sẽ làm giảm nguy cơ làm ngưng trệ dòng không lưu, hạn chế khả năng xảy ra thường xuyên các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nguy hiểm trong tương lai, nhà nghiên cứu Stefan Rahmstorf nhấn mạnh.
Trong một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí khoa học Nature vào cùng thời điểm, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, 90% nhiệt độ “ấm lên” của Trái Đất được hấp thụ bởi các đại dương, và sự “ấm lên của các đại dương” hiện đang ở mức cao nhất trong vòng ... 15 triệu năm gần đây!
Sự “ấm lên của các đại dương” sẽ gây ra hàng loạt tác động thảm khốc không chỉ cho các sinh vật biển, mà còn gây ra hiện tượng nước biển dâng, đe doạ cuộc sống của hàng trăm triệu người sinh sống ven biển trên toàn thế giới. |
Nguồn Nhân Dân