Trong số các nước Việt Nam đang có quan hệ thương mại, Nhật Bản đã và đang là thị trường đem lại nhiều lợi ích nhất về xuất nhập khẩu, đặc biệt, Việt Nam luôn xuất siêu sang quốc gia này. Trong 5 năm trở lại đây, kể từ khi VJEPA có hiệu lực (ngày 01/10/2009), tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trung bình đạt mức tăng trưởng hai con số, khoảng 19%/năm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, VJEPA là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của Việt Nam kể từ khi gia nhập WTO và là hiệp định thương mại tự do thứ 2 mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia- sau Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) được ký kết từ năm 2008. Hiệp định VJEPA có nội dung toàn diện về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và các hợp tác kinh tế khác giữa hai quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại buổi tọa đàm
Theo nội dung hiệp định, trong vòng 10 năm kể từ khi có hiệu lực, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của lộ trình giảm thuế, tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với 92,95% kim ngạch thương mại.
Thực hiện theo lộ trình đã cam kết, ngày 14/2/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BTC kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo VJEPA giai đoạn 2015 - 2019. Theo đó, kể từ ngày 1/4/2015 sẽ có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về 0%, nâng tổng số dòng hàng được xóa bỏ thuế kể từ khi VJEPA có hiệu lực lên 3.234 dòng, tương đương 34,09% toàn biểu thuế nhập khẩu.
Thuế quan được cam kết cắt giảm dần theo từng giai đoạn. Các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày có lộ trình xóa bỏ thuế quan sớm do đây là các mặt hàng công nghệ cao, linh kiện lắp ráp, nguyên liệu phụ trợ cần nhập khẩu trong nước chưa đáp ứng được, trong đó nhiều mặt hàng cũng có thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) 0%.
Trong các giai đoạn tiếp theo, thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng còn lại cũng sẽ giảm dần để tiến tới đưa về 0%. Với các ưu đãi như vậy, hàng Việt sẽ có cơ hội lớn để thâm nhập thị trường Nhật Bản, đặc biệt là các sản phẩm nông, thủy sản và hàng dệt may.
Tuy nhiên, dù được ưu đãi về thuế, song DN Việt Nam tận dụng được cơ hội này không phải là chuyện dễ. Ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- đánh giá, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với tiêu chuẩn kỹ thuật cao và quy trình nghiêm ngặt.
Bởi vậy, để tận dụng được lợi ích từ hiệp định này, theo ông Hà Duy Tùng- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Tài chính, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phải thường xuyên cập nhật thông tin, nắm rõ lộ trình cắt giảm thuế của từng mặt hàng.
Mặt khác, dưới quan điểm của một ngân hàng chuyên cung cấp các giải pháp tài chính hỗ trợ DN tham gia vào chu trình trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Du- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam- cho rằng, để hỗ trợ các DN tận dụng VJEPA nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cần sự chung tay của rất nhiều các đơn vị liên quan, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng, ngân hàng và từ chính bản thân các DN, đặc biệt là trong giai đoạn đầu hội nhập.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử