Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã kết thúc phiên họp và thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến cuối năm 2018, và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.
EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam, góp phần đẩy mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc biệt là hiện thực hoá các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới.
Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm, từ ngày EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam.
Theo đề xuất từ Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, dù Việt Nam đang nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cần thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ EU để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - nhận định, chính sách thu hút FDI của Việt Nam sẽ thay đổi theo xu hướng của thế giới, theo hướng xây dựng mô hình kinh tế hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, hiệu quả hơn, thân thiện hơn, tăng trưởng xanh và bền vững.
Đánh giá về việc thu hút các nguồn vốn từ EU, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, trong chiến lược thu hút FDI tới đây, không phải là tìm “lời giải” đối với với Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và EU.
“Làm sao phải kéo được các nhà đầu tư này vào, nếu không, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc - vốn đang có nhiều vấn đề”, GS. Nguyễn Mại lưu ý.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng hóa sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các hiệp định thương mại khác đã tham gia bởi EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau.
Chính vì thế, cả doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư châu Âu đều đang ngóng chờ EVFTA có hiệu lực bởi một khi hiệp định quan trọng này được ký, cả hai bên đều có cơ hội mở rộng thị trường. Từ đó, cánh cửa để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn hơn từ EU trong thời gian tới cũng rộng mở.
Ông Nicolas Audier – Đồng chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Sư kiện EuroCham đạt mốc 1.000 thành viên - trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở châu Á - đã cho thấy Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế.
Hiệp định EVFTA được mong đợi sẽ sớm được phê chuẩn và truyền cảm hứng cho Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và thương mại và tăng cường mở cửa thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Nicolas Audier nhấn mạnh.
Việt Nam kỳ vọng đón làn sóng FDI lớn từ EU. (Ảnh minh họa)
Đồng chủ tịch EuroCham khẳng định, các doanh nghiệp châu Âu luôn hướng tới phát triển bền vững, cam kết phát triển lâu dài đối với đất nước và người dân Việt Nam. Nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam có dấu hiệu tích cực, và điều này giúp nâng cao niềm tin vào môi trường kinh doanh an toàn và cải thiện ở Việt Nam, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch mở rộng và tăng trưởng, cả về quy mô lẫn đầu tư.
Một trong những biện pháp quan trọng nhất để cải cách môi trường thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam là giảm thuế quan quốc tế và dỡ bỏ rào cản thương mại. Hỗ trợ chính sách là hoạt động trọng tâm của EuroCham, đồng thời nỗ lực hỗ trợ chuyển biến những thay đổi trọng văn bản pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam là mục tiêu quan trọng - ông Nicolas Audier chia sẻ.
Theo đánh giá của bà Cecilia Malmström - Cao ủy của EC về Thương mại, Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu. Bà Cecilia Malmström tin tưởng rằng Nghị viện Châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua EVFTA này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng lợi những lợi ích từ hiệp định này.
Hiện EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại… Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 31,2 tỉ USD, tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu gần 10 tỉ USD từ thị trường này. Việt Nam xuất siêu tới 21,2 tỉ USD từ EU.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, hiện đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU là Hà Lan (9,33 tỷ USD), Pháp (3,62 tỷ USD), Luxembourg (2,33 tỷ USD), Đức (hơn 1,8 tỷ USD)…./.
Nguồn VOV