Thứ Hai, 25/11/2024 13:05:18 GMT+7
Lượt xem: 3657

Tin đăng lúc 09-11-2015

Hiệp định TPP có hiệu lực: Thuế giảm mạnh, hàng hóa có giảm giá?

Chiều 9-11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về những cam kết tại Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP).
Hiệp định TPP có hiệu lực: Thuế giảm mạnh, hàng hóa có giảm giá?
Ảnh minh họa

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các quốc gia thành viên TPP cam kết xóa bỏ 78-95% số dòng thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Theo giới chuyên gia, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP với nhiều lợi ích được thực thi sau khi TPP có hiệu lực. Song áp lực giảm thu ngân sách nhà nước cũng sẽ xuất hiện do thuế suất thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh theo cam kết. 

Rộng cửa xuất khẩu cho Hàng Việt

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

 

Là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Hoa Kỳ cũng sẽ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế nông nghiệp (tương đương 97,7% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 0,95 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, mật ong, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả đều được xóa bỏ thuế ngay. Vào năm thứ 10, tổng số dòng thuế nông nghiệp được xóa bỏ là 97,4%. 

Một đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản(tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm phẩm của chúng.

Đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ...

Áp lực giảm thu ngân sách sẽ xuất hiện

Nếu như các quốc gia thành viên TPP cắt giảm mạnh mẽ thuế nhập khẩu và rộng cửa cho hàng Việt Nam, thì ở chiều hướng ngược lại Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP. Trong đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Trong đó, với mặt hàng ô tô, sẽ xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. 

Về thuế xuất khẩu, Việt Nam, Malaysia và Canada cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Riêng Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. 

Tại lĩnh vực hải quan, một vấn đề mà Hiệp định TPP tác động lớn là quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục hải quan. 

Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh những tác động của Hiệp định TPP, đại diện Bộ Tài chính cho biết, dự kiến thời điểm Hiệp định này chính thức có hiệu lực sẽ vào năm 2018. Mặc dù TPP với những cam kết cắt giảm thuế mạnh mẽ sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, song sự tác động đan xen sẽ giúp nguồn thu tăng ở khu vực này và giảm ở khu vực khác. Tuy nhiên, áp lực giảm thu NSNN sẽ rõ rệt từ năm 2018. Để bảo đảm cân đối nguồn thu cho NSNN, Bộ Tài chính phấn đấu đưa số thu nội địa đạt tỷ trọng 70% tổng thu NSNN và đến cuối năm nay, con số này dự kiến đạt 74%. Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ TPP bắt đầu từ việc nhiều quốc gia mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên việc giá cả hàng hóa sau khi TPP có hiệu lực có giảm mạnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi thuế suất chỉ là một trong những yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa.

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang