Thứ Sáu, 22/11/2024 06:02:46 GMT+7
Lượt xem: 3474

Tin đăng lúc 11-05-2019

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Nắm bắt cơ hội, vượt thách thức để tạo thương hiệu bền vững cho ngành gỗ Bình Định

Ngày 10.5, tại thành phố biển Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) đã tổ chức Hội nghị tổng kết mùa hàng 2018 – 2019 của ngành gỗ Bình Định. Là một trong 4 địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn trong cả nước, Hội nghị lần này của FPA Bình Định đã thu hút được sự quan tâm lớn của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Trung ương; các địa phương như Bình Dương, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế và Đăk Nông…
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Nắm bắt cơ hội, vượt thách thức để tạo thương hiệu bền vững cho ngành gỗ Bình Định
Các đơn vị FPA Bình Định đang đầu tư trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ảnh Báo Bình Định

Từ  nỗ lực vượt rào cản thương mại và kỹ thuật

      

Bình Định được mệnh danh là 1 trong những “thủ phủ ngành gỗ” cả nước bởi nó hội đủ những điều kiện khách quan và chủ quan: Là cửa ngõ của Tây Nguyên, thông với vùng nguyên liệu gỗ từ Nam Lào và Bắc Campuchia nối với cảng biển Quy Nhơn. Con đường đưa sản phẩm gỗ và lâm sản ra thế giới không đâu hiệu quả hơn ở Bình Định. Điều đó giải thích vì sao Bình Định đã sớm hình thành được các nhà máy chế biến gỗ tập trung ở  KCN Phú Tài và Long Mỹ với con số gần 40 nhà máy. Nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ đã có thời điểm lên 25.000 lao động, trong đó đa số là công nhân có tay nghề bậc cao.

           

Thế nhưng mãi đến mùa hàng năm 2018-2019, những thách thức khó khăn, gay gắt vẫn luôn đeo bám ngành gỗ Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Đó là những rào cản về kỹ thuật, về môi trường và nhất là rào cản về thương mại luôn diễn ra phức tạp, khó lường. Ngoài bối cảnh nền kinh tế thế giới ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bất ổn chính trị từ Brexit, siết chặt thực thi FLEGT và EUTR đã ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu gỗ EU như: Anh, Đức, Hà Lan… trong năm 2018.

 

Nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng bị thiếu hụt do những quy định khắt khe về nguồn gốc, môi trường kể cả nguồn nguyên liệu nhập.

 

Hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt thu hút nguyên liệu, lao động kỹ thuật, mặt bằng, canh tranh về giá… đang diễn ra khi các nhà đầu tư mặt hàng gỗ nước ngoài đang ồ ạt đến với Bình Định.

 

         

 

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết ngành hàng gỗ lâm sản Bình Định 2019

 

Vững vàng với truyền thống đoàn kết, vượt khó, FPA Bình Định đã sát cánh cùng các DN và có sự vào cuộc tích cực của Lãnh đạo địa phương và TW cùng với FPA tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đặc biệt Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT là một trong những cơ hội mới cho ngành gỗ Việt Nam.

                  

Đến những thành quả đáng khích lệ

           

Những nỗ lực, cố gắng của FPA Bình Định đồng hành cùng các Doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ đã đem lại những thành quả đáng khích lệ, trở thành động lực thúc đẩy quá trình xây dựng một thương hiệu gỗ phát triển bền vững cho Bình Định.

           

Năm 2018, ngành gỗ đã xuất khẩu các mặt hàng gỗ qua cảng Quy Nhơn  tới 98 quốc gia  và vùng lãnh thổ, tăng 12 thị trường so với năm 2017. Tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ Bình Định đạt 423 triệu USD, chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh, tăng khoảng 6,2% so với năm 2017. Trong đó: Đồ gỗ ngoài trời, sân vườn đạt 207,2 triệu USD, tăng 13%; Đồ gỗ nội thất đạt 46,9 triệu U SD; Dăm gỗ đạt 95 triệu USD; Viên nén gỗ đạt 9,8 triệu USD  tăng 19% .

 

          

 

Chủ tịch FPA Bình Định - Lê Minh Thiện (phải) nhận Bằng khen của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

 

Tín hiệu lạc quan đến từ  quý I/2019, Giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ đạt 127 triệu USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bình Định. Những con số ấy đã thực sự động viên các DN thuộc FPA Bình Định vươn lên không ngừng trong quá trình vượt khó để chiếm lĩnh những đỉnh cao trong kế hoạch năm 2019.

        

Hướng đến một thương hiệu gỗ Bình Định bền vững trong thời đại 4.0

          

Để bắt kịp xu thế phát triển  ngành chế biến gỗ trong thời đại công nghệ 4.0; Ban Chấp hành FPA Bình Định kiên định với các mục tiêu trọng tâm của Nghị quyết Đại hội, chủ động nắm bắt thông tin thị trường và phản ảnh kịp thời của Hội viên để đề ra những giải pháp sáng tạo, phù hợp tình hình thực tiễn, giải quyết nhanh nhạy hiệu quả những thách thức đối với ngành gỗ Bình Định. Liên kết chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để tạo vốn thay đổi dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại, giải quyết vấn đề năng suất lao động và thu nhập cho người lao động.

          

Tiếp tục thông tin cho các DN về những cơ hội mới trong năm 2019 về thị trường đồ gỗ toàn cầu theo dự báo của CSIL được mở rộng về sản lượng và thương mại. Đón đầu làn sóng đầu tư chuyển dịch khách hàng, đơn hàng lớn từ các nước sản xuất đồ gỗ hàng đầu như Trung Quốc , Bắc Mỹ, EU sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

           

Chủ động liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ trên địa bàn Miền Trung – Tây Nguyên để tạo ra mạng lưới kinh doanh, phát triển thị trường gỗ lớn mạnh, bền vững.

 

           

 

Các Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Bình Định được khen thưởng tại Hội nghị

 

Mục tiêu  hướng đến của FPA Bình Định trong năm 2019, ngành gỗ Bình Định sẽ đạt tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản khoảng 450 triệu USD, tăng 6,4% trong đó đồ gỗ đạt 315 triệu USD tăng 6,7 % so với năm 2018.

           

Từ tầm nhìn mùa hàng 2018-2019, FPA Bình Định đã mở rộng cánh cửa với hướng đi vững chắc cho ngành gỗ Bình Định. Với truyền thống yêu nghề, đoàn kết, gắn bó của CBCNV toàn ngành, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ 4.0 về trang thiết bị hiện đại, chắc chắn ngành gỗ Bình Định sẽ vươn lên xây dựng được thương hiệu gỗ Bình Định một cách mạnh mẽ, bền vững.  

                                                                                       

      Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang