Theo Phó Thủ tướng, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công với những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) độc đáo. Tuy nhiên để cộng đồng Start-up phát triển mạnh mẽ hơn nữa rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, DN, nhà tư vấn, các quỹ đầu tư… từ việc kêu gọi vốn; tạo thuận lợi đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ; ưu đãi về thuế đến thị trường; xây dựng, kết nối các không gian sáng tạo, tạo lập các “hệ sinh thái khởi nghiệp”.
“Những trung tâm sáng tạo cần được lập nên ở rất nhiều nơi, đặc biệt là tại các trường đại học lớn, ở các tập đoàn, DN và phải có sự kết nối mạnh mẽ hơn hiện nay. Mỗi tập đoàn, mỗi DN có thế mạnh, cơ hội của riêng mình, nhưng ngày hôm nay chúng ta càng kết nối, càng chia sẻ thì sẽ có thêm những cơ hội mới”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng thành công của Nguyễn Hà Đông với “hiện tượng Flappy Bird”, cũng như nhiều bạn trẻ khác cần được chia sẻ để nhiều người cùng có sự tự tin, có cơ hội khởi nghiệp. Muốn vậy cần sự nhận thức, ý thức và hành động thực sự nhằm giải quyết những vấn đề, của cả chính quyền lẫn cộng đồng, đang khiến những bạn trẻ, những DN Start-up còn e dè khi chia sẻ kinh nghiệm, thành công của mình.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn: Hiện Việt Nam mới có vài ba quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và cần phấn đấu lên con số hàng chục. Số quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện vài chục thì phấn đấu lên hàng trăm. Trên thế giới có khoảng vài nghìn trung tâm sáng tạo được biết đến còn chúng ta mới có vài trung tâm. Vậy làm sao trước mắt lên hàng chục tiến tới con số hàng trăm trung tâm. Số lượng các bạn trẻ, các DN Start-up sẽ không dừng lại ở con số hàng trăm, hàng nghìn.
“Để làm được điều này không chỉ là trách nhiệm, kỳ vọng vào cộng đồng DN mà còn đòi hỏi sự sáng tạo và quyết liệt thay đổi của các bộ ngành”.
“Nếu xác định cuộc cách mạng này thực sự dựa trên CNTT thì ngay bây giờ chúng ta phải làm gì để CNTT ở Việt Nam có bước phát triển mới”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề và cho rằng cần phải có các chính sách rất mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng CNTT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đưa tin học vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; tạo điều kiện cho một số ngành, sản phẩm trọng điểm phát triển dựa trên thế mạnh CNTT.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng khẳng định để tận dụng được cơ hội từ bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào luôn rất cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình sáng tạo quốc gia, tăng cường phổ cập kiến thức khoa học, công nghệ đến mọi người dân… Và muốn làm được điều này thì tất cả các bộ ngành, các cấp, cộng đồng DN và cả xã hội phải vào cuộc.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Các chỉ số “Đổi mới sáng tạo” hay “Chính phủ điện tử” liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh nghe qua tưởng trách nhiệm phần lớn thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ hay Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng xem kỹ thì các chỉ tiêu là của tất cả các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục…
Tương tự trong đổi mới mô hình sáng tạo quốc gia để DN thực sự ở vị trí trung tâm không chỉ là nhận thức, tiềm lực của bản thân DN mà đòi hỏi phải có chính sách thiết thực, đặt đúng vị trí của nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học vào ba đỉnh của một tam giác đều như mô hình của thế giới.
“Cộng đồng DN, trong đó có các DN CNTT, là những người nắm rất rõ những vướng mắc, khó khăn về chủ trương, chính sách cần phải tháo gỡ như thế nào. Vậy các bạn nên đưa ra kiến nghị chính thức ở những diễn đàn, chỉ ra những cái vướng cụ thể để chúng ta cùng nhau tháo gỡ.
Đổi mới luôn luôn xuất phát từ số ít và rất khó khăn trong quá trình tiến tới thành công nhưng chúng ta cần trân trọng tất cả các ý kiến, dù ban đầu là thiểu số và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của một số người”, Phó Thủ tướng nói.
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chứng kiến lễ ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Tập đoàn CMC về hỗ trợ xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ.
Nguồn Baochinhphu