Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội cũng như Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu cho rằng, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 - năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2021, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt, ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá một số mặt hàng chủ lực xuống thấp; thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của nhân dân…, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/13 chỉ tiêu; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; các khó khăn cho sản xuất kinh doanh được tập trung tháo gỡ; tái cơ cấu kinh tế đạt được những kết quả bước đầu tích cực; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ, toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
“Những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội trong năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng; khẳng định sự nỗ lực rất lớn trong chỉ đạo điều, điều hành của Chính phủ. Hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo, vì dân ngày càng hiện hữu rõ nét”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét.
Đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Lê Công Đình (Long An) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, trong đó tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chủ trương về tích tụ ruộng đất để tạo những cánh đồng mẫu lớn cho ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn liền với vấn đề về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Các đại biểu Hoàng Huy Chinh (Bắc Kạn), Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Trần Đăng Ninh (Hòa Bình) và nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; rà soát, xử lý nghiêm các doanh nghiệp gây ô nhiễm; có các giải pháp đột phá cho thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng đã được đề ra cho năm 2016; kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu; quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người nông dân; bảo đảm sự hợp lý, hiệu quả trong phân bổ ngân sách Trung ương; tiếp tục dành ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục-đào tạo; làm tốt công tác quy hoạch; tiếp tục chủ động trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
“Công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông phải được quan tâm, tăng cường. Tránh các thông tin nhiễu loạn, không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật, thêu dệt… làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…”, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu vấn đề.
Ngoài ra, vấn đề ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chất cấm trong nông nghiệp; việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm an ninh-quốc phòng... cũng là những vấn đề lớn được nhiều địa biểu Quốc hội đề cập, nêu vấn đề.
Đại biểu Lê Quân (Hà Nội). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng quan điểm khẳng định những kết quả tích cực nêu trên, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng trong tái cơ cấu vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định; một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém là chưa thực sự tạo được nhận thức đầy đủ từ Trung ương đến địa phương; nhiều bộ, ngành, địa phương có xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức; nhiều địa phương coi tái cơ cấu là việc của Trung ương...
Từ nhận định nêu trên, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu kinh tế; phải thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức, hành động, trong phát huy vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), đại biểu Lê Quân (Hà Nội) và một số đại biểu đề nghị cần có các chính sách hiệu quả hơn trong thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện tái cơ cấu kinh tế và Nhà nước phải thực sự làm tốt vai trò kiến tạo, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thực hiện các mục tiêu phát triển.
“Để bảo đảm hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, tôi đề nghị Quốc hội ra một nghị quyết riêng về vấn đề này để thúc đẩy; đề nghị Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên trách ở Trung ương và các địa phương cũng thành lập cơ quan chuyên trách để chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế”, đại biểu Phùng Văn Hùng kiến nghị.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) cho rằng, tái cơ cấu phải luôn đồng hành với bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải được thực hiện với tinh thần quyết liệt, đồng bộ; điều này cũng phù hợp với quan điểm của Thủ tướng về một Chính phủ kiến tạo, hành động.
Nguồn Chinhphu