Các chuyên gia cho rằng tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ là cơ sở để phục hồi du lịch, tuy nhiên khác biệt giữa các nước trong thừa nhận chủng loại vaccine lại kéo chậm tiến trình này.
Nhiều quốc gia chỉ chào đón du khách đã tiêm một số loại vaccine nhất định. Ví dụ Liên minh châu Âu không thừa nhận những du khách đã tiêm vaccine Covishield, mặc dù loại này giống hệt với vaccine AstraZeneca được sử dụng ở các nước châu Âu. Không chỉ những người ở Ấn Độ cảm thấy phiền lòng, những người dân tại Anh, nơi đã nhận 5 triệu liều Covishield cũng sẽ thấy lo lắng.
Dữ liệu từ trang du lịch VisaGuide.World cho thấy sự khác biệt trong việc công nhận vaccine giữa các nước. AstraZeneca được chấp nhận rộng rãi nhất, với 119 chính phủ công nhận. Đây là loại vaccine được sử dụng nhiều nhất và nó cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận (cùng với Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và hai loại vaccine của Trung Quốc). Ngược lại, CanSinoBio của Trung Quốc chỉ được một số ít chính phủ công nhận.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở nhập cảnh, những rắc rối về vaccine có thể xảy ra ở trong biên giới. Ví dụ, Mỹ không yêu cầu bằng chứng về việc tiêm phòng khi nhập cảnh, nhưng người Canada đã tiêm vaccine AstraZeneca lo lắng họ sẽ bị cấm đến các địa điểm giải trí ở Mỹ, vì Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới chỉ chấp thuận các loại Pfizer, Moderna và Janssen. Ngoài ra, một số bang của Mỹ đã ban hành luật cấm "hộ chiếu vaccine", như Alabama, Arizona, Indiana và Florida. Như vậy các hãng du thuyền không thể yêu cầu khách hàng từ những bang này xuất trình bằng chứng tiêm phòng, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Ngành du lịch lo ngại rằng quá nhiều hạn chế và phức tạp sẽ khiến mọi người ở nhà. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã nhiều lần nhận định, việc mở cửa du lịch quốc tế có liên quan mật thiết tới việc tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là tính thống nhất và phối hợp giữa các quốc gia. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng việc các chính phủ không có thỏa thuận là “một trở ngại nữa trong việc phục hồi sự tự tin để mọi người đi du lịch trở lại”.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Các chính phủ giữ vai trò quan trọng nhất trong việc phục hồi du lịch, thông qua hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số”. Hiện nay, các nước có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào, về việc nới lỏng, điều chỉnh hoặc thắt chặt các hạn chế đi lại. Điều này là thách thức lớn với ngành du lịch, trong bối cảnh các thủ tục nhập cảnh rất phức tạp và khác biệt giữa các quốc gia như hiện nay./.
Theo vov.vn