Thứ Sáu, 22/11/2024 17:49:48 GMT+7
Lượt xem: 2994

Tin đăng lúc 11-06-2016

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần đúng, trúng nhu cầu

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, DN. Nhiều ý kiến cho rằng, ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết, tuy nhiên trong quá trình xây dựng cũng cần lưu ý đến nhu cầu thực tiễn của DN.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần đúng, trúng nhu cầu
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu những chính sách hỗ trợ phù hợp

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Ông Lê Văn Khương - Trưởng phòng Phát triển DNNVV - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: DNNVV hiện chiếm khoảng 97,9% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 48,3% vào GDP, tạo việc làm cho 50% lao động. Tỷ lệ DNNVV hoạt động xuất nhập khẩu chiếm khoảng 6% trong tổng số DN đang hoạt động. Các DNNVV đang hoạt động tại hầu hết các ngành, lĩnh vực, từ nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp xây dựng đến thương mại, dịch vụ, du lịch... Khu vực DNNVV vẫn được ví như “xương sống” của nền kinh tế, song những con số trên cho thấy đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song chủ yếu vẫn do đây là khu vực DN có nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, quy mô lao động cũng như các mối quan hệ.

 

Tại hội thảo về chủ đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM - nhận định, so với các DNNVV, DNNN nhận được nhiều ưu đãi, đặc biệt do được đặt dưới sự quản lý của các Bộ, ngành, địa phương nên khả năng tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cũng dễ dàng hơn, do vậy, DNNVV rất cần được hỗ trợ.

 

Không biến hỗ trợ thành cơ chế xin - cho

 

Ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết nhằm tạo cơ hội thuận lợi nhất để phát triển, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hỗ trợ gì và hỗ trợ thế nào để DN đón nhận lại là vấn đề các nhà làm luật cần quan tâm. Bởi trên thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng nói như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đa số các DNNVV đều không hào hứng đón nhận, vì hầu hết các chính sách hỗ trợ này đều không đúng, trúng với nhu cầu của DN.

 

Tại Hội nghị Chính sách phát triển DNNVV, tầm nhìn và hành động do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông vừa tổ chức mới đây, bà Quách Thị Tri - đại diện Công ty TNHH Mường Thanh (Thanh Hóa) - cho rằng, nói đến ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, tôi thấy rất vui, nhưng lại lo sợ các chính sách này liệu có được thực thi nghiêm túc hay lại biến thành cơ chế xin - cho, DN nào mạnh bỏ ra thì mạnh thu về.

 

Cũng theo bà Tri, DNNVV hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn, từ thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, đến việc bị “đè nén” bởi cơ chế xin - cho. Để hiểu rõ khó khăn của DN, đưa ra những chính sách hỗ trợ đúng, trúng với nhu cầu của DN thì các cơ quan soạn thảo luật cần tới tận nơi, gặp gỡ DN và hỏi xem họ đang gặp khó khăn gì, chứ chỉ ngồi trong “phòng lạnh” soạn thảo luật thì khó mà đưa ra được những chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu DN.

 

Anh Hòa - đại diện một DNNVV - khẳng định, vốn là vấn đề rất lớn của hầu hết các DNNVV hiện nay, nhưng thứ DN cần hỗ trợ không phải là tiền mà là các cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, giảm tải nhũng nhiễu.

 

Để DNNVV thực sự trở thành “xương sống” của nền kinh tế, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu, mong muốn của DN.

 

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang