Các doanh nghiệp đang cố gắng thích nghi với việc sản xuất kinh doanh (SXKD) trong bối cảnh dịch bệnh, còn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tái khởi động nền kinh tế
Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã chọn mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ tăng trưởng kinh tế. Đến lúc này, ở “mặt trận” phòng chống dịch, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19 với những giải pháp ứng phó nhanh chóng, quyết liệt và linh hoạt. Còn trên “mặt trận” kinh tế, một số chính sách hỗ trợ DN, người dân chưa từng có trong lịch sử đã được ban hành và thực hiện như các gói giải pháp tiền tệ, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đơn vị, cá nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19... Nếu được tổ chức tốt thì đây sẽ là một động lực quan trọng giúp DN trụ vững và vượt qua được khó khăn.
Đáng chú ý, một tư duy mới về sống chung với dịch bệnh cũng dần được hình thành. Nhiều DN đang tự thay đổi mình để ứng phó và thích nghi với bối cảnh dịch bệnh, trong đó, nhiều DN đã chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, nhất là áp dụng giải pháp kinh doanh thông qua môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, TMĐT trong bối cảnh dịch bệnh đã có một "cú hích" đáng kể. Rất nhiều người, nhiều DN chưa tham gia TMĐT, giờ đã tham gia. Những mặt hàng chưa từng có mặt trên sàn TMĐT, giờ cũng đã xuất hiện. Để hỗ trợ DN và người tiêu dùng, thời gian vừa qua, Cục đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ khâu thanh toán; xây dựng website; đào tạo trực tuyến các kỹ năng cơ bản.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ xây dựng một kế hoạch hành động để đưa nền kinh tế trở lại bình thường cũng như phấn đấu các mục tiêu phát triển của năm 2020. Riêng về công tác khơi thông thị trường, Bộ giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng để đánh giá lại các cơ hội cũng như các dư địa của thị trường, kể cả thị trường trong nước và ngoài nước để phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm của các ngành sản xuất – các ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản…".
Các doanh nghiệp đang cố gắng thích nghi với việc SXKD trong bối cảnh dịch bệnh
Cần nâng cao hiệu quả việc triển khai các gói hỗ trợ
Mặc dù nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn hẹp nhưng Chính phủ vẫn đưa ra được các gói giải pháp về tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ người dân và DN, thì có thể thấy rằng, nỗ lực của Chính phủ là rất lớn. Nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo làm sao thực hiện được các giải pháp này một cách hiệu quả, hỗ trợ đúng địa chỉ, tránh lợi dụng trục lợi từ chính sách này. Đây là điều mà cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt quan tâm, thậm chí cần phải có những chế tài để sao cho hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng những hỗ trợ.
Theo khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thực hiện vào trung tuần tháng 4, có tới 50% DN đang khó tiếp cận với các gói hỗ trợ. Nguyên nhân chủ yếu là vấn đề về các thủ tục, quy trình, năng lực, sự minh bạch của DN và cả về sự tận tụy của các cán bộ công chức. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, việc bảo vệ DN cần phải triển khai quyết liệt như chống dịch. Tính cấp thiết của việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ cũng như cải cách thể chế là vô cùng quan trọng. Để đẩy nhanh việc đưa các gói hỗ trợ vào cuộc sống thì cần phải có cách tiếp cận từ hai phía, tức là, không chỉ các DN tìm đến các ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước mà ngược lại, các đơn vị này cũng nên chủ động tìm đến các DN có tiềm năng đang gặp khó khăn tạm thời để hỗ trợ. Nếu làm được như vậy thì việc triển khai các giải pháp sẽ nhanh gấp đôi.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với nguồn lực hạn chế như hiện nay thì những gói giải pháp hỗ trợ kỹ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng, thậm chí còn cần thiết và khả thi hơn sự hỗ trợ bằng tiền bạc. Trong bối cảnh này, vai trò của các hiệp hội DN là hết sức quan trọng, đặc biệt trong việc kết nối các DN giữa các hiệp hội với nhau, cũng như hỗ trợ DN xây dựng được cho mình một chiến lược kinh doanh ứng phó được với những thay đổi của thị trường và kế hoạch khôi phục SXKD sau dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một chính sách đầu tư hỗ trợ để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghệ sản xuất của các lĩnh vực. Cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, thực hiện các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi công nghệ sản xuất để thay đổi nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Thậm chí, chúng ta có thể tạo ra chuỗi cung ứng khép kín trong nước bằng cách hỗ trợ các DN đầu đàn mua những công nghệ tiên tiến của nước ngoài về để tạo ra chuỗi cung ứng trong nước hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất trong nước để sản phẩm đầu ra đạt được tiêu chuẩn của những thị trường cao cấp như EU hoặc các nước trong khối CPTPP. Khi đó, chúng ta sẽ không bị lệ thuộc vào nguồn cung hoặc đầu ra thị trường ở một vài quốc gia như hiện nay.
Theo các chuyên gia, kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 sẽ có nhiều thay đổi, thương mại, đầu tư kinh tế sẽ đảo chiều, các chuỗi cung ứng sẽ được xây dựng theo hướng an toàn và tin cậy hơn. Do đó, Việt Nam cần phải nâng cấp mình trong các chuỗi giá trị và tích cực tham gia các chuỗi giá trị đó. Mà muốn làm được vậy thì phải có sự chuẩn bị tốt cả về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Quá trình phục hồi, tái khởi động của nền kinh tế Việt Nam phải là quá trình phục hồi sáng tạo và làm theo cách mới. Cộng đồng DN rất mong muốn Chính phủ tập trung vào công việc nền tảng để hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của DN sau đại dịch./.
Quỳnh Anh