Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,01%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,3 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành là 1,18% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm tăng khoảng 1,16%. Trong đó, nông nghiệp tăng 0,5%, lâm nghiệp tăng 2,0%, thủy sản tăng 2,1%.
Nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới, có mặt tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Trong số đó, EU là thị trường quan trọng với nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, chiếm 11,75% thị phần trong tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2019, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua. Với dân số trên 500 triệu người, EU là khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, GDP năm 2019 chiếm khoảng 30% toàn thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35,8 nghìn USD, đây là một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, kim ngạch từ Việt Nam mới chỉ chiếm 2% thị phần trong tổng nhập khẩu của EU.
Đặc biệt hơn, ngay khi Hiệp định Thương mại tự Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi tiếp cận thị trường EU. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, đang tạo dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rất lớn của thị trường này.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi lên là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ EVFTA so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này còn đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển xuất khẩu một cách bền vững, ngành nông nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng.
Thêm nữa, EVFTA cũng là FTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm), tập trung vào một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ...
Việc nhanh chóng đưa EVFTA đi vào thực tiễn không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu, mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… Điều này sẽ góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bước vào “sân chơi” lớn là EVFTA, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức mới. Đơn cử như rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Mặc dù EVFTA đưa ra ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số hàng nông sản của Việt Nam như hồ tiêu, chè, rau quả… vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Thêm nữa, EVFTA còn có các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế vẫn có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm. Điều này có thể dẫn tới rủi ro cao cho cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi do chỉ một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm.
Xuất khẩu thành công vào thị trường EU đồng nghĩa các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, có cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường. Song doanh nghiệp vẫn gặp phải thách thức. Và vướng mắc lớn nhất, khó khăn nhất chính là xuất xứ hàng hóa C/O, mỗi doanh nghiệp đang gặp phải những rào cản riêng. Nếu những rào cản đó không được tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng, doanh nghiệp đó có nguy cơ bị loại khỏi sân chơi EVFTA.
Đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp được áp dụng giấy chứng nhận C/O điện tử, nhằm giảm thiểu thời gian xét duyệt, bên cạnh việc khai trương hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo Hiệp định EVFTA, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, VCCI, Bộ NN&PTNT tập trung phổ biến những nội dung của EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (thuế quan, kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm...) tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU.
Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU, đảm bảo công tác thông tin thị trường từ nơi sản xuất đến nơi xuất khẩu cũng như các chủ thể tham gia chuỗi giá trị hướng tới việc thâm nhập và phát triển xuất khẩu ổn định, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng trong bối cảnh hiện nay.
Theo Thời Báo Ngân Hàng