Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ phục dựng, bảo tồn một loạt lễ hội truyền thống của các dân tộc, như: Lào (tỉnh Điện Biên); La Chí, Nùng (tỉnh Hà Giang); Thái (tỉnh Yên Bái); Shi La (tỉnh Lai Châu); Gia Rai (tỉnh Kon Tum)...
Để việc hỗ trợ bảo đảm mục tiêu, tiến độ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học về lễ hội, gồm: Tên lễ hội, thời điểm diễn ra lễ hội, mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn, phục dựng lễ hội…, gửi về Vụ Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp trước ngày 20-2; xây dựng chi tiết báo cáo khảo sát lễ hội gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định trước thời điểm diễn ra lễ hội ít nhất 20 ngày.
Trên cơ sở thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh tiếp thu, tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ hội, trong đó chú trọng phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới, tiến bộ, nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng.
Các lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia và thụ hưởng; chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội.
Theo Báo Hà Nội Mới