Ảnh hưởng của dịch bệnh trước và sau Tết Nguyên đán, giá hoa tươi giảm mạnh, thậm chí nhiều nơi phải cắt bỏ vứt đầy đồng bởi không có thương lái thu mua. Song, càng gần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, thị trường hoa tươi càng đắt khách, giá hoa cũng theo đà tăng mạnh.
Đáng chú ý, giá hoa hồng những ngày này còn tăng gấp 5-6 lần so với trước. Theo các nhà vườn trồng hoa ở Tây Tựu (Hà Nội), lượng hoa hồng cung ứng cho thị trường ngày 8/3 năm nay giảm mạnh so với mọi năm, trong khi lượng tiêu thụ lại tăng, kéo giá hoa hồng tăng phi mã.
Tay thoăn thoắt cắt những bông hoa hồng để giao cho thương lái, chị Lê Thị Ngọc ở Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Tranh thủ mấy ngày lễ, hoa được giá nên cứ có hoa là tôi cắt, nhưng giờ hoa hồng cũng không còn nhiều”.
Nhìn về phía ruộng hoa trước mặt, chị Ngọc chia sẻ, người trồng hoa như chị chỉ trông chờ vào những ngày lễ Tết. Nhà chị có 9 sào hoa hồng, cho thu hầu hết từ trước Tết. Song, thời điểm đó, dịch bệnh bùng phát trở lại, dân buôn ít đi chợ, hoa cũng vắng người mua nên giá lúc chỉ 40.000-50.000 đồng/bó hồng (50 bông), tính ra chỉ có 800-1.000 đồng/bông hoa hồng.
“Hoa rớt giá thê thảm, rẻ hơn rau coi như làm không công, vất vả sớm tối chăm bẵm cày cuốc chứ nói gì đến lời lãi. May mắn lúc đó nhà tôi vẫn túc tắc bán được dù giá rẻ, chứ không bị bỏ đi như năm ngoái. Đợt này được giá lại không có mấy hoa thì cũng chả ăn thua, gọi là bù vào tiền thuốc, phân bón được đồng nào hay đồng ấy”, chị nói.
Hiện tại, giá hoa hồng đã tăng gấp 3-6 lần so với trước. Đơn cử, hồng cành ngắn có giá 120.000 đồng/bó (50 bông), hồng cành dài giá dao động 200.000-250.000 đồng/bó (50 bông), chị Ngọc cho hay.
Cách đó không xa, chị Bùi Thị Thu cũng đang cắt nốt luống hoa hồng để giao cho khách. Chị cho hay, mấy ngày nay, các đầu mối lấy sỉ về tận ruộng đặt mua, vợ chồng chị hiếm khi phải mang ra chợ bán. Trung bình mỗi hôm chị cắt được 60-70 bó, hôm nhiều thì được vài trăm bó, song chị chỉ bán vài tiếng buổi sáng là cháy hàng, hàng bao nhiêu cũng hết.
Theo chị, giá hoa hồng tăng từng ngày, đắt gấp 5-8 lần. Thời điểm này năm ngoái, hoa hồng bán tại ruộng chỉ được 20.000-30.000 đồng/bó, tương đương khoảng 400-600 đồng/bông, hiện đã tăng lên 2.000-5.000 đồng/bông.
“Từ Rằm tháng Giêng giá hoa nhích dần lên. Tuy vậy, đợt này không sẵn hoa như những năm trước. Hoa hồng bị đứt lứa do ảnh hưởng của thời tiết trong năm lạnh và sương muối, khiến hoa không nảy mầm được, vậy nên số lượng hoa không còn nhiều. Khách không đặt sớm, càng sát ngày lễ tranh nhau không có hoa mà mua”, chị nói.
Tương tự, chị Nguyễn Yến cũng có 7 sào hoa hồng, song dịp này chị chỉ cắt được 40-50 bó/ngày, có hôm chỉ được 20 bó, giảm đến 2/3 lượng hoa so với ngày thường. Hầu hết khách quen đều đã đặt trước cả nửa tháng, chứ không có dư.
Chị Yến lý giải, giá hoa hồng tăng vọt dịp lễ 8/3 này là bởi hoa bị đứt lứa, khan hàng trong khi nhu cầu mua hoa làm quà tặng vào ngày lễ tăng mạnh. Như hôm nay, giá hoa đã tăng lên 120.000 đồng/bó cành ngắn; cành hoa dài có lộc có giá 320.000 đồng/bó, cành không có lộc dao động 250.000-280.000 đồng/bó.
“Gần lễ 8/3 năm ngoái nhiều hoa lại rớt giá, chỉ khoảng 30.000-50.000 đồng/bó. Năm nay, hoa đắt gấp đến 6 lần không có mà mua”, chị nói.
Không chỉ hoa hồng, các loại hoa khác như cúc, ly, đồng tiền,... giá cũng tăng 30-50% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán bởi lượng tiêu thụ tăng nhanh dịp 8/3.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Hương Mai - một đầu mối chuyên bỏ sỉ hoa tươi ở chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) - thừa nhận, khoảng một tuần nay, giá hoa tươi đồng loạt tăng, trong đó hoa hồng tăng mạnh nhất. Mặc dù, sức mua dịp này có tăng nhưng so với những năm trước vẫn giảm đáng kể.
Thời điểm trước Tết, hồng Đà Lạt chỉ 70.000-80.000 đồng/bó (30 bông), nay đã tăng lên 200.000-240.000 đồng/bó tùy loại; hoa hồng ngoại dao động 160.000-200.000 đồng/bó. Hiện chị chỉ còn hồng Đà Lạt, còn hồng gai và hồng ngoại đã cháy hàng từ mấy ngày trước, chị Mai cho hay.
Theo Vietnamnet.vn