Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành AmCham chia sẻ, Hiệp định TPP đã mang lại sự kỳ vọng rất lớn trong việc tăng trưởng thương mại và đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam và chúng tôi rất thất vọng với hành động trước đó của Tổng thống khi tuyên bố rút khỏi TPP vào tháng 1/2017 cho rằng đó là một thảm họa sẽ cướp mất việc làm của người Mỹ.
"Nếu Tổng thống thật sự nghiêm túc trong việc thảo luận lại với các nước thành viên về TPP, đây là điều tốt cho các công ty Hoa Kỳ, Việt Nam, nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng. Việc tham gia lại TPP sẽ là một cơ hội tuyệt vời để Hoa Kỳ mở cửa thị trường, giảm rào cản thương mại, bảo vệ sự đổi mới và thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ - ông Adam Sitkoff nhấn mạnh. Một TPP bao gồm Hoa Kỳ sẽ có tác động chuyển đổi môi trường kinh doanh của Việt Nam và mục tiêu chiến lược của đất nước để công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hoá. AmCham tin rằng tham gia vào TPP rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, 11 quốc gia khác đã tiến hành các cuộc đàm phán riêng, trong đó loại bỏ các chương, điều khoản về đầu tư, mua sắm chính phủ và sở hữu trí tuệ... là những nội dung chính mà phía Hoa Kỳ phản đối. Đến nay hiệp định thay thế TPP là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết giữa 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam vào đầu tháng 3/2018 tại Chile.
Không chỉ có Hoa Kỳ mà một số quốc gia khác như Hàn Quốc hay Anh cũng đang để ngỏ mong muốn gia nhập vào TPP sau khi hiệp định này được kí kết bởi 11 nước còn lại sau khi đổi tên thành Hiệp định CPTPP.
Trước đó, ngoài quyết định cân nhắc tái gia nhập TPP của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ cũng đã quyết định không rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (KORUS) như lời đe dọa trước đó. Hoa Kỳ cũng đã miễn thuế thép, nhôm cho những đối tác thương mại được xem là đồng minh của Mỹ.
Nguồn Báo Công Thương