Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trở ngại trong năm 2017, nhất là khi Hiệp định thương mại TPP có những trục trặc, nhưng ngành dệt may vẫn từng bước ổn định, đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức tăng trưởng cao, dự kiến đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. Theo nhận định của Vitas, năm 2018 khả năng kinh tế thế giới ổn định và có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017. Do vậy, cùng với những nỗ lực của ngành dệt may, cũng như những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà Chính phủ cùng các bộ ngành đang thực hiện, ngành dệt may dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 34 tỷ USD trong năm tới.
Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, các DN dệt may trong nước đang nỗ lực mở rộng sang nhiều thị trường mới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, một số nước khu vực Trung Đông... Tuy nhiên, các DN vẫn tập trung nguồn lực và thế mạnh xuất khẩu vào một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ để gia tăng cả lượng và chất.
Theo đánh giá của Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA), Việt Nam đã vượt qua nhiều đối thủ trong tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mặc dù chưa có nhiều ưu đãi thương mại từ quốc gia này. Nhiều DN dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn tin tưởng hàng hóa xuất khẩu có thể tăng trong tương lai ngay cả khi không có TPP.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đối với sản phẩm dệt may, Việt Nam đã xuất được 9,25 tỷ USD sang Hoa Kỳ, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 30% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc do các DN xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây rất chú trọng đến chất lượng, giá cả, cũng như đáp ứng những điều kiện nhập khẩu để có thể nâng cao sự hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ.
Một số DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Hoa Kỳ vốn là thị trường lớn và nhiều DN xuất khẩu muốn thâm nhập. Tuy nhiên, không dễ dàng để đặt chân vào thị trường này bởi các điều kiện, tiêu chuẩn mà nhà nhập khẩu đặt ra cho các loại hàng hóa rất khắt khe. Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật, chú trọng tăng cường cả chất và lượng là chìa khóa để mở rộng cánh cửa vào thị trường rộng lớn của Hoa kỳ.
Ông Nate Herman, Phó Chủ tịch cấp cao AAFA cho biết, thế mạnh của ngành da giày, dệt may Việt Nam như chất lượng, giá cả và các cam kết phân phối đã thu hút nhà đầu tư, nhà bán lẻ Hoa Kỳ đến với Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra khuyến cáo, hàng dệt may của DN Việt sang Hoa Kỳ có thể gặp khó khăn trong tương lai do các quy định chặt chẽ hơn về an toàn sản phẩm nhằm giảm nhập siêu, vì thế các DN phải có sự chuẩn bị để đối phó với những rào cản.
Bàn về vấn đề này một số chuyên gia cho rằng, để DN dệt may có thể chinh phục được những thị trường trọng điểm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cần vận dụng thật tốt công nghệ quản trị DN, đặc biệt là từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn.
Song song với việc phát triển xuất khẩu, toàn ngành cũng tập trung xây dựng các giải pháp cho phát triển thị trường nội địa, xây dựng các thương hiệu thời trang Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến một vài nguyên nhân khiến cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chưa phát huy được thế mạnh.
Đó là việc áp thuế với vải trong nước sản xuất khi DN mua về để gia công xuất khẩu; nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu, việc xử lý nguyên liệu gia công xuất khẩu còn dư thừa, chưa tận dụng triệt để gây lãng phí… Đây là những vấn đề cản trở năng lực xuất khẩu của DN dệt may Việt Nam sang các nước, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.
Nguồn Thời báo Ngân hàng