Thứ Hai, 25/11/2024 10:44:57 GMT+7
Lượt xem: 693

Tin đăng lúc 04-08-2022

Hoàn thành khối lượng lớn công việc trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

Báo cáo tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (chiều 3/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đến nay, khối lượng lớn công việc được hoàn thành, 14/17 văn bản đã được ban hành để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.
Hoàn thành khối lượng lớn công việc trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH
Ước giải ngân thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình đạt khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 202, tăng gần 2 lần so với tháng 5/2022

Giải ngân đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng

 

Tính đến nay, thống kê sơ bộ các chính sách thuộc Chương trình đã giải ngân đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 21/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình, ước khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 (tăng gần 2 lần so với tháng 5/2022).

 

Ngoài ra, 7 tháng qua, 196,7 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 344 nghìn người lao động đã giải ngân theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg; miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 31 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng đến hết tháng 6/2022.

 

Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất cho vay (2%/năm) còn chưa đạt tiến độ đề ra, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri, người dân và doanh nghiệp, phần nào tác động hiệu quả của Chương trình.

 

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, lý do dẫn đến tình trạng này bao gồm: (i) việc phân bổ nguồn vốn NSTW để thực hiện còn chưa kịp thời; (ii) còn tâm lý ngại ngần, sợ sai, lúng túng trong triển khai; (iii) các đối tượng thụ hưởng đa dạng, cần thời gian rà soát, việc xác định còn khó khăn. Việc ban hành một số ít văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền các bộ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

 

Phân bổ gần 147 nghìn tỷ đồng cho 91 nhiệm vụ, dự án đầu tư phát triển

 

Về việc triển khai công tác phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có chỉ đạo tại 08 Công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết liệt triển khai việc phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình.

 

Triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp việc xây dựng, rà soát danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Theo đó, Bộ đã có 16 văn bản, công điện gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về việc rà soát, đề xuất, có ý kiến đối với danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.

 

Đến nay, kết quả phân bổ vốn chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt được một số kết quả. Cụ thể, số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư là 146.898 tỷ đồng cho 91 nhiệm vụ, dự án.

 

Liên quan đến số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đã phân bổ 2.173 tỷ đồng cho 21 dự án. Số vốn còn lại chưa thông báo, số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không đề xuất nhu cầu bố trí là 26.929 tỷ đồng.

 

Ngày 31/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến cơ bản thông qua phương án dự kiến danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoàn thiện Tờ trình Chính phủ, dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay trong kỳ họp tháng 8 tới đây.

 

Các giải pháp trọng tâm

 

Các đây chưa đầy 1 tuần (28/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã chủ trì họp phiên đầu tiên của Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ủy viên Ban Chỉ đạo đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong gần 06 tháng triển khai và đề xuất những giải pháp để đẩy nhanh, tạo thuận lợi thực hiện Chương trình. Qua thảo luận, Ban Chỉ đạo đề xuất thực hiện các giải pháp trong thời gian tới.

 

Thứ nhất là đề nghị sửa đổi Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về áp dụng hình thức chỉ định thầu phù hợp với Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

 

Thứ hai, khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách còn lại thuộc thẩm quyền của các Bộ liên quan. Đối với những chính sách đã được ban hành, các bộ, cơ quan chủ trì cần theo dõi sát sao tình hình triển khai, tập trung đẩy mạnh thực hiện, chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

Thứ ba, căn cứ tình hình, yêu cầu thực tế để rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của các chính sách, chủ động xây dựng phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa triển khai trong trường hợp cần thiết.

 

Về phía Bộ KH&ĐT, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ, căn cứ tình hình triển khai thực hiện Chương trình, Bộ báo cáo, trình Chính phủ một số nội dung như: Trình Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến đối với đề xuất của Bộ về việc áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; trình Chính phủ sớm có ý kiến đối với dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.

 

Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách còn lại trước ngày 05/8.

 

Cùng với đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách đã ban hành; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn lực cho chính sách khác còn dư địa thực hiện trong trường hợp cần thiết; báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay trong kỳ họp tháng 8/2022./.

 

Theo Chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang