Từ yêu cầu phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam cũng như thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện Đề án quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo các quy định hiện hành, hoạt động TMĐT đang chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT mà thực hiện quản lý như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường. Do đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường. Điều này dẫn đến nhiều vướng mắc, cũng như gây khó khăn cho hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Về phía người khai hải quan, các khó khăn gặp phải thường do người khai hải quan không xuất nhập khẩu thường xuyên (thậm chí chỉ thực hiện một lần duy nhất), do vậy thường không có kiến thức, kinh nghiệm về việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chính sách mặt, quy trình, thủ tục khai báo hải quan…
Đối với các sàn giao dịch TMĐT tại Việt Nam hoặc các đơn vị là đại lý vận chuyển, làm thủ tục hải quan cho các sàn giao dịch TMĐT tại nước ngoài cũng gặp các khó khăn trong việc mua ngoại tệ, thanh toán do các quy định hiện hành còn yêu cầu nhiều loại giấy tờ mà TMĐT không có như hợp đồng ngoại thương, xác nhận giao/nhận hàng hóa…
Cơ quan hải quan cho biết cũng gặp nhiều khó khăn như áp lực về thời gian thực hiện thông quan, thu thập thông tin người xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là thông tin hàng hóa thì nhỏ lẻ, hàng hóa mới được sản xuất đưa vào thị trường.
Ngoài ra, do hàng hóa được thanh toán qua mạng internet nên người khai hải quan có thể không xuất trình được chứng từ thanh toán do thực hiện thanh toán điện tử qua các thẻ thông minh, hoặc phải qua ngân hàng để xin các thông tin sao kê thay cho chứng từ thanh toán. Vì vậy, trong một số trường hợp người khai hải quan lại khai báo là quà biếu, quà tặng thay vì khai báo việc giao dịch bằng thương mại điện tử. Điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý, công tác thống kê số liệu, công tác thu thập thông tin phục vụ việc quản lý rủi ro, công tác lợi dụng chính sách để gian lận thương mại... Các quy định về kiểm tra chuyên ngành, chính sách thuế, xác định trị giá, xuất xứ... cũng gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan hải quan và người khai hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.
Để đảm bảo việc quản lý của nhà nước và tạo khung pháp lý để các đối tượng tham gia giao dịch TMĐT được thực hiện đúng quy định pháp luật, Việt Nam cần sớm ban hành các quy định riêng cho hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Từ đó, Đề án Quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan hoàn thiện. Dự thảo gồm 4 phần chính: Tổng quan về TMĐT; Thực trạng quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Mô hình và giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và Tổ chức thực hiện.
Đề án hướng đến mục tiêu đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực TMĐT; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại. Đồng thời Đề án được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT phát triển, đơn giản thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng Việt Nam.
Theo VietQ