Theo Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Năm 2018 hệ thống pháp luật trong kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ rệt, đã có nhiều đột phá trong tiến trình cải cách diều kiện kinh doanh ở các Bộ, ngành, địa phương; đã đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đã giải phóng cho doanh nghiệp hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết…; thay đổi tư duy quản lý trong một số ngành, lĩnh vực quản lý doanh nghiệp chuyển sang phương pháp kiểm soát rủi ro, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin…; trong năm 2018, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định có tác động tích cực tới môi trường kinh doanh.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp về các văn bản Luật những mặt được và chưa được ở nhiều lĩnh vực còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, một môi trường kinh doanh thuận lợi và cần phải thay đổi.
Bà Hoàng Hải Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam chia sẻ, nhiều bất cập trong luật doanh nghiệp như: Việc “Chào bán của cổ đông lớn ra công chúng tại công ty cổ phần chưa đại chúng” do Luật Chứng khoán hiện hành và Dự thảo Luật Chứng khoán đều không quy định về việc, cổ đông lớn chào bán cổ phần ra công chúng tại công ty cổ phần chưa đại chúng, điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp có mong muốn quá trình chuyển nhượng vốn được công khai, minh bạch qua việc chào bán cổ phần ra công chúng thông qua đấu giá. Hay đối với Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 91/2015/NĐ-CP hiện nay, các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, đang lúng túng trong việc thoái vốn là do họ không phải đối tượng của các nghị định trên, tuy nhiên doanh nghiệp lại muốn chuyển nhượng vốn một cách công khai, minh bạch, cụ thể: khi doanh nghiệp chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp khác, có kết quả kinh doanh lỗ/ có lỗ lũy kế hoặc tại doanh nghiệp là công ty cổ phần chưa đại chúng. Việc này làm chậm quá trình chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp, đã được phê duyệt tại các Kế hoạch tái cơ cấu nói chung của các doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Theo TS Đặng Văn Định, Trưởng Ban nghiên cứu và phân tích chính sách – Hiệp hội các Trường đại học cao đẳng Việt Nam cho rằng: Đối với lĩnh vực giáo dục vẫn còn nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách thiếu bình đẳng, xung đột… nhưng những chính sách 2018 đã có những dấu ấn; trước những bất cập của giáo dục đại học nói chung, giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dục Đại học tại Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018. Thứ nhất, đó là những cơ sở giáo dục đại học tư thục (ĐHTT) mà các nhà đầu tư phải cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Thứ hai: ĐHTT chia thành hai mô hình; mô hình ĐHTT không vì lợi nhuận và mô hình ĐHTT vì lợi nhuận; việc đầu tư sở hữu vào các mô hình Đại học ngoài công lập rõ ràng hơn…
Kết thúc hội nghị, Ông Vũ Tiến Lộc đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội thảo; ông cho rằng, những chuyển động chính sách trong năm vừa qua có nhiều động thái tích cực từ các cơ quan quản lý, cộng đồng các doanh nghiệp đã đặt ra những kỳ vọng về các chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới; Các rào cản về môi trường kinh doanh phi lý sẽ tiếp tục được dỡ bỏ; Các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực tế hơn.
Công Du