Thứ Sáu, 22/11/2024 17:53:59 GMT+7
Lượt xem: 4461

Tin đăng lúc 26-08-2015

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 và các Hội nghị liên quan

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 47 (AEM-47) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 22-25 tháng 8 năm 2015 tại thủ đô Kuala Lumpur, Ma-lai-xia. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-lai-xia.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 47 và các Hội nghị liên quan

Đây là sự kiện thường niên quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và 9 nước đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới.

 

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-47, về hợp tác kinh tế nội khối, các Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 29, Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 7. Về hợp tác với các đối tác đối thoại, các Bộ trưởng đã tham gia Hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 đối tác là Ấn Độ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và Trung Quốc, dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mê Công-Nhật Bản lần thứ 7, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các đối tác. Các Bộ trưởng cũng tham dự Hội nghị Bộ trưởng 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 3.

 

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN khẳng định quyết tâm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với những biến động kinh tế khu vực và toàn cầu. Đến hết tháng 7 năm 2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại trong khu vực. Ưu tiên này của ASEAN cũng phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam. Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ; xây dựng Cơ chế một cửa ASEAN; quyết định sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR) để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp, v.v. Đây cũng là các nội dung hoạt động Việt Nam đã và đang triển khai tích cực. Cụ thể, Việt Nam đã ban hành Thông tư số 28/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Ta đang chuẩn bị ký Nghị định thư khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN và dự kiến sẽ kết nối Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia với Xinh-ga-po, Ma-lay-xia, Thái Lan, In-đô-nê-xia vào tháng 9 tới. Bộ Công Thương đang xây dựng đề án về Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN với trọng tâm là cung cấp thông tin về các biện pháp phi thuế liên quan tới thương mại cho các doanh nghiệp.

 

 

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các Bộ trưởng hoan nghênh việc tất cả các nước ASEAN đã hoàn thành Gói cam kết dịch vụ thứ 9 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) và chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành Gói 10 vào cuối năm nay. Trong lĩnh vực đầu tư, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình triển khai Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) với nhiều sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác rà soát, minh bạch hóa khuôn khổ pháp lý về đầu tư trong ASEAN. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến triển trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối thoại công-tư. Một số sự kiện của đại diện các doanh nghiệp cũng được tổ chức bên lề Hội nghị như Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU, Diễn đàn đầu tư Đông Á, thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng cao của các doanh nghiệp đối với tiến trình xây dựng AEC.

 

Về hợp tác với các nước ngoài khối, chủ trương của ASEAN là tăng cường quan hệ kinh tế với các nước và khu vực đối thoại. Thực hiện chủ trương này, ASEAN đang tích cực thảo luận về việc nâng cấp và rà soát các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận dụng và hưởng lợi từ các FTA này. Với Trung Quốc, ASEAN đang thúc đẩy việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để ký kết văn kiện bổ sung nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Với Nhật Bản, ASEAN nhất trí đặt mục tiêu hoàn tất văn kiện bổ sung nội dung thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân vào Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản vào cuối năm nay. Với Hàn Quốc, các nước ASEAN đã nhất trí ký theo hình thức luân phiên Nghị định thư thứ 3 sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc để bổ sung các nội dung thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại vào Hiệp định này và đơn giản hóa biểu thuế cắt giảm thuế quan của các nước. Với Ấn Độ, Hiệp định Thương mại dịch vụ và Hiệp định Đầu tư với ASEAN trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2015. Đối với các đối tác đối thoại quan trọng là Hoa Kỳ, EU và Nga, ASEAN đang tích cực thảo luận các nội dung hợp tác có ý nghĩa vì lợi ích chung. Chẳng hạn, với Hoa Kỳ, ASEAN đẩy mạnh việc đối thoại về minh bạch hóa, bảo vệ môi trường và đảm bảo thương mại bền vững; với EU là việc xúc tiến các dự án xây dựng năng lực hội nhập cho ASEAN trên cơ sở kinh nghiệm của EU; với Nga là các dự án hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực mà hai bên có lợi thế như dầu khí, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp và xây dựng mạng lưới thương mại ngày càng mở rộng.

 

Trong bối cảnh các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu đang ngày càng gắn bó, phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, ASEAN đang tích cực thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm thông qua đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 6 nước đối tác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và Trung Quốc. Đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được tiến bộ đáng kể khi tại Hội nghị lần này. Cụ thể, Bộ trưởng các nước tham gia RCEP đã thống nhất được mô hình cam kết thuế quan ban đầu, tạo điều kiện đẩy nhanh đàm phán từ nay tới cuối năm 2015.

 

Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng cũng đã thông qua về nguyên tắc Lộ trình tổng thể xây dựng AEC từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm xây dựng ASEAN trở thành một nền kinh tế thống nhất và có tính liên kết cao, đảm bảo sự phát triển năng động, sáng tạo và toàn diện đồng thời chú trọng yếu tố con người và sẽ tiếp tục tích cực hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đây là một Lộ trình hội nhập kinh tế ở mức cao trên cơ sở các kết quả hội nhập đạt được của ASEAN vào cuối năm 2015. Theo đó, ASEAN sẽ tiếp tục rà soát hướng tới xóa bỏ các rào cản còn lại đối với sự luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề trong khu vực, tăng cường tạo thuận lợi cho di chuyển vốn và đầu tư để các nước ASEAN có thêm nhiều cơ hội trong việc tiếp cận đầu vào sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước ASEAN trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng cạnh tranh cũng là một trọng tâm trong Lộ trình này. Với Việt Nam, thách thức lớn nhất đặt ra là tăng cường nội lực sản xuất hàng hóa chất lượng với chi phí cạnh tranh để có thể tận dụng được các cơ hội mở ra từ việc hội nhập kinh tế ASEAN cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục ký kết trong thời gian tới.

 

Do đó, tại Hội nghị lần này, ta đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận định hướng để hoàn thành các biện pháp xây dựng AEC vào năm 2015 và Lộ trình tổng thể xây dựng AEC đến năm 2025, tập trung vào nội dung xúc tiến và thuận lợi hóa cho thương mại để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ta cũng tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác khu vực giữa bốn nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam, các nước tiểu vùng sông Mê Công và Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối kinh tế, tạo ra các khu vực kinh tế tiểu vùng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam ở khu vực miền Trung và Nam Bộ Việt Nam.

 

 

Bên cạnh các hoạt động chính thức, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã có các cuộc gặp song phương bên lề với một số Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Bộ trưởng các nước đối tác như Nhật Bản, Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma, v.v để thúc đẩy hợp tác về kinh tế-thương mại song phương.

 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang