Thứ Sáu, 22/11/2024 10:46:59 GMT+7
Lượt xem: 3858

Tin đăng lúc 30-09-2015

Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015”

Sáng ngày 29/09/2015 tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015” do Bộ Công Thương chỉ đạo, Cục Công nghiệp địa phương (CNĐP) phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tổ chức chính thức khai mạc.
Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015”

Đây là một trong các hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 – Tự hào hàng Việt Nam đang diễn ra từ ngày 27/09 đến ngày 4/10 tại khu vực TP Hồ Chí Minh.

 

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng với các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất, cung ứng, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã triển khai thành công hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Nối tiếp những thành công đó, Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015” được tổ chức với mục đích kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài, nhằm hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm tiềm năng và đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

 

 

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó trưởng ban chỉ đạo TW Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cùng đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành khu vực phía Nam, các Hiệp hội ngành hàng. Đặc biệt là có sự hiện diện của 83 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, đầu mối tiêu thụ sản phẩm khu vực phía Nam.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, khu vực phía Nam là vùng kinh tế năng động, trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất cả nước, đóng vai trò là trung tâm lớn về sản xuất hàng công nghiệp, hàng nông sản như lúa gạo, cây công nghiệp, hoa quả đặc sản, nuôi trồng đánh bắt thủy sản..., và được xem là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm qua, để thúc đẩy việc kết nối cung – cầu hàng hóa, nhiều mô hình liên kết được hình thành và hoạt động có hiệu quả như mô hình liên kết trực tiếp của các siêu thị hiện đại Co.op-Mart, Satra, Lotte Mart... ký kết với các nhà cung ứng hàng hóa; Mô hình cung ứng theo chuỗi sản xuất – phân phối – tiêu thụ hàng hóa đã được nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp như Hapro, TH True Milk, Kinh Đô lựa chọn và có xu hướng phát triển tốt. Bên cạnh đó, sự liên kết tiêu thụ hàng Việt Nam qua kênh phân phối lưu động như Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn cũng đã góp phần tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường với các đầu mối là các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, Hiệp hội, v.v… Nhiều địa phương đã hỗ trợ cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn về khâu sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế với việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn khi đưa sản phẩm vào các chợ truyền thống hay các siêu thị hiện đại do hạn chế về thương hiệu, sản lượng hàng, nhà sản xuất chưa thống nhất các thỏa thuận cần thiết về điều kiện giao hàng, quá trình thanh toán để ký kết hợp đồng với kênh phân phối lớn. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn, Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015” được tổ chức lần này với mục đích đánh giá kết quả đã thực hiện, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được sẽ giải quyết được vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn.

 

 

Tại Hội nghị cũng ghi nhận những kết quả khả quan về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, hoạt động xuất khẩu của các tỉnh thành phố ở khu vực phía Nam năm 2015. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 930.034 tỷ đồng, tang 6.2% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 50,39% so với cả nước. Ngay tại Hội nghị, có 38 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa các nhà phân phối lớn với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất khu vực phía Nam.

Hội nghị cũng dành thời gian lắng nghe chia sẻ của đại diện một số địa phương, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thị hàng hóa cũng như đại diện về phía các nhà phân phối về các chương trình hỗ trợ, hợp tác cho doanh nghiệp như Sài Gòn Co.op, Lotte.

Ngay tại Hội nghị, có 46 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa các nhà phân phối lớn như Satra, Sài Gòn Co.op, Lotte, AEON, Big C... với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất khu vực phía Nam. 

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang