Thứ Sáu, 22/11/2024 09:28:26 GMT+7
Lượt xem: 5397

Tin đăng lúc 05-07-2018

Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018

Thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 5/7/2018, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện hóa Mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị
Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2018
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đại diện cho các doanh nghiệp tặng quà lưu niệm cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã đánh giá cao chủ đề của Hội nghị. Ông khẳng định niềm tin mạnh mẽ Việt Nam sẽ tăng tốc và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng hai thập niên tới với những kết quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý nhà nước hiệu quả. Ông Lộc nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các thành phần trong xã hội, các bên liên quan cũng như sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức quốc tế. “Chúng ta tiến lên phía trước một cách vững chắc với sự tham gia đầy đủ của từng cá nhân, từng nhóm người, từng ngành nghề, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng chung của đất nước và hoàn thành sớm các Mục tiêu phát triển bền vững đúng thời hạn...”.

 

Tại hội nghị, Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ về những xu hướng lớn có thể tái định hình nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm việc chuyển đổi các mô hình thương mại; Sự gia tăng của nền kinh tế tri thức; Biến đổi khí hậu và sự già hóa dân số. Đại diện của WB cũng giới thiệu những phát hiện quan trọng từ Báo cáo “Công việc tương lai của Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh rằng, nếu không khai thác một cách có lợi các xu hướng lớn nêu trên, sẽ khiến “cỗ máy việc làm” không hoạt động hiệu quả, dẫn đến tương lại việc làm tại Việt Nam không được đảm bảo. Ông cho rằng để thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần tận dụng và phát huy hiệu quả các lợi thế vốn có như: Thể chế, con người, sản xuất vật chất và vốn tự nhiên, song song với việc nắm bắt các xu hướng lớn và đảm bảo cỗ máy tạo việc làm hoạt động trơn tru.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030. Điểm nhấn quan trọng trong phiên buổi sáng của Hội nghị là bốn tọa đàm chuyên đề xoay quanh các nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm như: Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - một mô hình kinh tế mới của thế giới, nơi không có khái niệm chất thải và mọi nguồn lực đều được tận dụng một cách triệt để và hiệu quả; Tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh…

 

Khách mời đã được lắng nghe báo cáo, trình bày về kế hoạch của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh từ đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cũng như gắn kết 17 mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh từ HEINEKEN Việt Nam. Bên cạnh đó là những kiến nghị với Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và phát triển nền tảng công nghệ mới, tối ưu hóa các cơ hội do làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cũng như đảm bảo việc làm cho lao động trong tương lai.

 

Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam là một doanh nghiệp 4 năm liên tiếp giới thiệu Báo cáo phát triển bền vững được xây dựng theo các tiêu chuẩn của sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI). Năm 2017, cũng là năm HEINEKEN Việt Nam được VCCI vinh danh là doanh nghiệp sản xuất bền vững nhất Việt Nam theo Chương trình Đánh giá và Xếp hạng các doanh nghiệp bền vững ở Việt Nam (CSI). Báo cáo mà ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Công ty TNHH Nhà máy Bia HEINEKEN Việt Nam mang đến Hội nghị, nhấn mạnh: “Năm 2017, HEINEKEN Việt Nam đã đóng góp 42,3 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương 0,88% tổng GDP cả nước, tăng so với mức đóng góp 0,75% GDP trong năm 2016. Công ty đã hỗ trợ cộng đồng 158.000 việc làm thông qua chuỗi giá trị của mình trên toàn đất nước Việt Nam. HEINEKEN Việt Nam tiếp tục ưu tiên và tối đa hóa việc sử dụng nguồn cung ứng địa phương bất cứ khi nào có thể với các đối tác Việt Nam...”.

 

 

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội nghị

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, ngành và toàn xã hội...”.

 

 Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi cá nhân. Về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần phải xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững; Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện thể chế chính sách để khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; Cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo; Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm vun đắp, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn. Chính phủ mong muốn giáo dục là chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước. Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm cơ hội học tập cho mọi người dân, không ai bị bỏ lại do thiếu các cơ hội học tập. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thời kỳ cách mạng 4.0.

 

Thủ tướng nêu rõ, con đường phía trước đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Hãy cùng nhau nỗ lực hợp tác xây dựng thể chế vững mạnh, một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển, môi trường sống trong lành, xã hội phát triển hài hòa, thịnh vượng. Thủ tướng mong các quốc gia, tổ chức quốc tế, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng DN tiếp tục đồng hành, hợp tác, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. 

 

Chi tiết mời quý vị đón đọc trên ấn phẩm Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng số tháng 7/2018.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang