Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các chuyên gia, nhà khoa học. Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện thật rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế.
Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.
Vì vậy, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ.
Vướng mắc ở tất cả các giai đoạn
Theo Bộ Xây Dựng – cơ quan được giao chủ trì tổ chức Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư. Các hoạt động chính trong giai đoạn này gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư.
Trong giai đoạn này, ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng.
Chẳng hạn, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 03 năm.
Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư hiện cũng đang gây khó cho doanh nghiệp do các dữ liệu liên quan đến dự án tại giai đoạn này không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ, chưa đủ điều kiện để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng. Trong giai đoạn này, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư:
Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, quy định về thời hạn chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư.
Liên quan đến Luật Xây dựng, quy định cá nhân là người nước hoạt động xây dựng tại Việt Nam trên 6 tháng phải thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chưa rõ, khoảng thời gian 6 tháng tính cho một lần huy động hay tổng thời gian huy động chuyên gia thực hiện gói thầu. Điều này gây ra lúng túng cho chủ đầu tư trong quá trình quản lý điều kiện năng lực của tư vấn cá nhân là người nước ngoài.
Liên quan đến Luật Đấu thầu, những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước như chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung phương án thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; Thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành khá dài, dẫn tới tâm lý ngại nghiên cứu, chuẩn bị dự án bài bản và xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương. Quy định sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhóm B trở lên chưa phù hợp. Dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư thấp (từ 45 tỷ đồng trở lên), việc bắt buộc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu quốc tế có thể gây kéo dài thời gian và không thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Trong giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, hiện còn nhiều vướng mắc khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác; Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.
Nguyên nhân là do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng.
Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn.
Theo Báo Chính phủ