Thứ Sáu, 22/11/2024 08:23:17 GMT+7
Lượt xem: 564

Tin đăng lúc 10-03-2024

Hơn 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 2 tháng

Hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.097 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so cùng kỳ. Các nhà đầu tư bỏ vốn thành lập doanh nghiệp mới hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp, quay trở lại thị trường đón cơ hội phục hồi và phát triển.
Hơn 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 2 tháng
Sản xuất các mặt hàng văn phòng phẩm tại Công ty TNHH Deli Việt Nam ở Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh

Gần 520 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế

 

Mặc dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh đã khởi sắc hơn, là cơ sở để nhà đầu tư bỏ vốn thành lập doanh nghiệp mới hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp, quay trở lại thị trường đón cơ hội phục hồi và phát triển.

 

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết trong hai tháng đầu năm 2024, cả nước có 41.097 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so cùng kỳ.

 

Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 22.128 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt gần 219 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 32,8% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ. Bình quân một tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

 

Tính chung cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so cùng kỳ.

 

Cũng theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã gia tăng ở 12/17 ngành kinh tế, mức tăng trưởng cao nhất thuộc về các ngành khai khoáng (tăng 28,8%), vận tải kho bãi (tăng 26,5%), dịch vụ khác (tăng 21,5%). Đa số doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ (đến 10 tỷ đồng), chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những ngành ghi nhận với số doanh nghiệp thành lập giảm. Đó là các ngành khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo; sản xuất phân phối, điện, nước, gas,…

 

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng năm 2024 là 18.969 doanh nghiệp, tăng 4,4% so cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh 22,5%, tương ứng với 62.977 doanh nghiệp. Trong số này, phần lớn doanh nghiệp chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 78,2%).

 

Từ số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao có thể thấy tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

 

Theo báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2 của S&P Global công bố, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng thứ hai liên tiếp, khi PMI vẫn duy trì trên ngưỡng 50 điểm (đạt 50.4 điểm).

 

Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất vẫn chỉ ở mức nhẹ song điểm tích cực là việc làm đã gia tăng trở lại và tâm lý kinh doanh đạt mức cao. Đây cũng là tháng đầu tiên ghi nhận việc làm gia tăng trở lại sau 4 tháng suy giảm.

 

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

 

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng những kết quả tích cực của hoạt động đăng ký kinh doanh hai tháng đầu năm là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

 

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Trong đó tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư, cụ thể là khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn của các quy định pháp luật.

 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Các giải pháp chủ yếu cho vấn đề này là nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác thông tin, chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

 

Để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng. Tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp.

 

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh như hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,… Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung, hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

 

Trong các giải pháp đề ra, Tổng cục Thống kê cũng lưu ý cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang