Tại Hội thảo "Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế", ngày 26/11, báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm qua.
Trong những năm qua, một số mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới như: tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo. Tuy nhiên, thứ hạng về giá xuất khẩu rất thấp như: hồ tiêu xuất khẩu xếp thứ 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8, hạt điều đứng thứ 1 thế giới nhưng giá đứng thứ 6, gạo và cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. Nguyên nhân giá xuất khẩu của Việt Nam thấp do trên 50% nông sản đang được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô.
Chất lượng một phần nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Tình trạng nông sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự tham gia sâu thị trường vào chuỗi giá trị toàn cầu, tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít. Mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.
Nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, vấn đề là nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới một cái tên riêng nào đó của Việt Nam. Ngoại trừ ngành lúa gạo, năm 2018, Bộ NN&PTNT đang chủ trì xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia.
Nguồn Thời báo Kinh doanh