Mộc mạc quà quê
Gia đình ông Hà Hữu Thể (xóm Sui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) có nghề làm tương nổi tiếng nhiều đời nay. Từ đường làng rẽ vào con ngõ nhỏ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thuần Việt dường như chỉ còn thấy trên phim ảnh. Căn nhà gỗ bảy gian hai dĩ lợp mái ngói rêu phong có niên đại gần 3 thế kỷ này là nơi sinh sống của 13 thế hệ kế tiếp nhau. Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà cổ, ông Thể còn nỗ lực giữ nghề làm tương truyền thống của gia đình. Ông tự hào chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm sản xuất từ 5 - 7 nghìn lít tương cung cấp cho các đại lý và du khách. Để có những mẻ tương thơm ngon, trước tiên phải có nguyên liệu chất lượng, sau đó là điều kiện thời tiết thuận lợi và bí quyết được tích lũy qua nhiều đời. Chính kinh nghiệm “cha truyền con nối” này đã giúp chúng tôi giữ gìn và tạo nên thương hiệu tương Mông Phụ nhiều năm qua”.
Cũng nằm ở xóm Sui (thôn Mông Phụ), gia đình ông Nguyễn Văn Hùng sở hữu ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi và nghề làm chè lam lâu đời. Khác với các vùng khác, chè lam do gia đình ông sản xuất luôn dẻo quánh, thoảng vị ngọt của mật mía, mạch nha cùng hương thơm của gạo nếp cái hoa vàng, gừng tươi... Tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau, tạo nên thứ đặc sản dân dã quen thuộc của Làng cổ Đường Lâm. Du khách sau khi tham quan, lưu trú tại đây đều mua chè lam do chính gia đình ông sản xuất về làm quà cho người thân.
Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn lựa các loại kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng đen hay bánh gai, bánh rợm, bánh tẻ... do các hộ dân ở Đường Lâm sản xuất, với nguồn nguyên liệu là các nông sản được trồng cấy, thu hoạch tại chính nơi đây. Có lẽ nhờ vậy mà ẩm thực Đường Lâm luôn có sức hấp dẫn, khác biệt so với các vùng quê khác.
Điểm du lịch ẩm thực độc đáo
Nhờ những thức quà quê dân dã cùng các sản vật đã tạo nên thương hiệu, Đường Lâm được nhiều du khách và các công ty lữ hành đánh giá cao về tiềm năng du lịch ẩm thực. Bà Phạm Thị Ý Nhi, một du khách đến từ Quảng Ngãi cho biết: “Để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi sau khi đến Đường Lâm là ẩm thực dân dã do chính người dân nơi đây làm ra. Các món ăn đều được chế biến từ nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất bảo đảm và mang phong vị khác biệt”. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Esyways Travel Vũ Thanh Hà cho rằng: “Làng cổ Đường Lâm có thể trở thành một điểm du lịch ẩm thực độc đáo nhờ những lợi thế sẵn có. Đó là những tri thức dân gian được người dân gìn giữ, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Mô hình này có thể phát triển bài bản để thu hút du khách ngay sau khi dịch Covid-19 lắng xuống”.
Đây cũng là hướng đi mà Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm quan tâm nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, đồng thời góp phần mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng. “Chúng tôi đang khuyến khích những gia đình có khả năng trở thành điểm dịch vụ phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Trong thời gian đóng cửa do dịch Covid-19, Ban quản lý đã tiến hành các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân có thêm kiến thức, kỹ năng đón tiếp, nấu nướng, trình bày món ăn. Hiện, trong làng có khoảng hơn 10 hộ dân có thể phục vụ ẩm thực một cách chuyên nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này nhằm hỗ trợ các hộ dân có thêm nguồn thu từ du lịch, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách”, ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ.
Được biết, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm sẽ phát triển sản phẩm ẩm thực theo mùa trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo, bên cạnh thế mạnh về lịch sử - văn hóa. Theo đó, du khách có thể khám phá ẩm thực truyền thống bốn mùa như mùa hè là các món gắn với hoa sen như cơm sen, gà Mía hấp lá sen, nem sen, chè sen; mùa thu có chè cốm, chả cốm; mùa đông có cá kho niêu; còn mùa xuân là thịt quay đòn, cá nướng... Cùng với đó, du khách còn được trải nghiệm làm các món bánh truyền thống như bánh khúc, bánh sắn, bánh ngải cứu, bánh gai cùng người dân... Đó sẽ là những trải nghiệm đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhằm khuyến khích du khách quay trở lại Đường Lâm nhiều lần.
Theo Hanoimoi.com.vn