Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:27:32 GMT+7
Lượt xem: 2337

Tin đăng lúc 25-06-2016

Hồng Kông - Cửa ngõ giao thương quốc tế cho doanh nghiệp Việt

Tại hội thảo “Hồng Kông: Đối tác giao thương quốc tế” do Cục Xúc Tiến thương mại Hồng Kông (HKTDC) và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Vietrade) tổ chức sáng nay (24/6), đại diện HKTDC cho biết, Hồng Kông là nơi để Việt Nam tiến vào thị trường Trung Quốc đại lục. Nhiều công ty Việt Nam hiện xem Hồng Kông là đối tác chính để kết nối với các khách mua quốc tế.
Hồng Kông - Cửa ngõ giao thương quốc tế cho doanh nghiệp Việt
Doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua Hồng Kông để tiếp cận các thị trường khác

Theo ông Samuel Lau - Giám đốc điều hành Công ty Vận chuyển toàn cầu Kerry Logistics (Hồng Kông), Hồng Kông nổi tiếng nhờ hệ thống logistics hiện đại, kết nối với nhiều nước, trong đó có cảng tự do - tức hàng hóa qua cảng này không bị đánh thuế xuất nhập khẩu.

 

Hồng Kông cũng nổi tiếng với mạng lưới hàng không kết nối toàn thế giới, và có những cảng lớn nhất châu Á. Về địa lý, Hồng Kông nằm ở trung tâm châu Á, kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN và hiện Hồng Kông cũng được nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và thời trang, xem là nơi gom hàng khi mua hàng từ các nước như Việt Nam, Bangladesh,… từ đó cung cấp ra toàn cầu.

 

Mới đây, Trung Quốc cũng đã ban hành danh sách một loạt hàng hóa không phải đóng thuế như hàng điện tử, thời trang, phụ kiện, hàng hóa công nghiệp,… vào thị trường Trung Quốc đại lục thông qua Hồng Kông.

 

Bà Margaret Fong - Cục trưởng HKTDC - cho biết, Hồng Kông là nơi để Việt Nam tiến vào thị trường Trung Quốc đại lục. Nhiều công ty Việt Nam hiện xem Hồng Kông là đối tác chính để kết nối với các người mua quốc tế.

 

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hồng Kông trong ASEAN. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hồng Kông đạt 16,3 tỷ USD. Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 9 của Hồng Kông trên thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Hồng Kông - ASEAN dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay, cũng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai bên.

 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, Hồng Kông là cửa ngõ giao thương quan trọng, thông qua đây, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được các thị trường rộng lớn khác. Do đó, sắp tới Hội dệt may thêu đan thành phố sẽ tổ chức một phái đoàn khoảng 26 doanh nghiệp tới tham dự triển lãm dệt may tại đây để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

 

Cũng tại hội thảo sáng nay, ông Trương Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Hồng Kông là lãnh thổ kinh tế phát triển mạnh, có quan hệ giao thương chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Xét về thu hút vốn từ các doanh nghiệp Hồng Kông, TP. Hồ Chí Minh đang đứng đầu cả nước. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, thành phố có 342 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đạt 2,89 tỷ USD, đứng thứ 6 về vốn cấp mới và tăng vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn.

 

Ông Tuyến cũng đánh giá cao việc HKTDC chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi ưu tiên đến thăm, làm việc của phái đoàn 60 giám đốc toàn cầu và các chuyên gia. Lãnh đạo thành phố cũng đồng thời đề nghị các Sở, ngành tích cực trao đổi các cơ chế phối hợp đầu tư lâu dài, hiệu quả. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng mong muốn HKTDC cung cấp thêm nhiều thông tin, tạo thêm thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam đến hoạt động tại địa bàn hoặc thông qua cửa ngõ Hồng Kông để thâm nhập thị trường Trung Quốc và các nước khác.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang