Thứ Ba, 26/11/2024 11:31:58 GMT+7
Lượt xem: 12753

Tin đăng lúc 19-01-2019

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: “Nóng” vấn đề giá điện, quản lý thị trường và hội nhập

Tăng giá điện, quản lý thị trường, hội nhập... là những vấn đề được báo chí quan tâm tại cuộc Họp báo thường kỳ và gặp mặt báo chí của Bộ Công Thương nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra chiều ngày 18/1, tại Hà Nội.
Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: “Nóng” vấn đề giá điện, quản lý thị trường và hội nhập
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải đáp nhiều vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm

Thận trọng trong điều hành giá điện

 

Với vấn đề tăng giá điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, năm 2018, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là năm 2018 không tăng giá điện.


Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo điều hành giá, trực tiếp là trưởng ban, năm 2019 sẽ xem xét việc tăng giá điện (trước đó, các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có quy định rõ tăng ở mức nào EVN được quyền quyết; mức nào phải xin ý kiến Bộ Công Thương; mức nào báo cáo và xin ý kiến Chính phủ). Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất, từ nay đến Tết và thời gian ngắn ngay sau Tết sẽ không tăng giá điện.

 

Về phương án tăng giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, giá các mặt hàng thiết yếu sẽ dần được vận hành theo giá thị trường. Do đó, một mặt, chúng tôi xem xét việc vận hành giá điện những năm 2017, 2018 để có đề xuất cụ thể về mức tăng giá điện ra sao để giá điện vận hành theo thực tiễn nhưng vẫn theo quy định thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đề xuất EVN tìm cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch việc tính giá điện cũng như đảm bảo chi phí để tạo thành giá điện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

 

Quyết liệt kiện toàn bộ máy Tổng cục quản lý thị trường

 

Kiện toàn bộ máy Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ra sao sau khi được thành lập là chủ đề rất được quan tâm từ dư luận. Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho hay, ngày 12/10, Tổng Cục QLTT chính thức đi vào hoạt động, tuy nhiên việc thành lập có điểm đặc biệt là hình thành một tổ chức mới và nâng cấp bộ máy cũ.


Trước đây, cơ cấu lực lượng QLTT là Chi cục QLTT thuộc Sở Công Thương ở các địa phương, thuộc quản lý của Bộ Công Thương, từ ngành ngang ở địa phương lên ngành dọc của Bộ Công Thương. Hiện nay, khi Tổng cục QLTT được thành lập, tất cả vị trí cán bộ lãnh đạo trong bộ máy đều được bổ nhiệm mới hoàn toàn các chức danh. Việc bổ nhiệm mới phải làm theo quy trình đã được Chính phủ quy định chặt chẽ, từ quy hoạch cán bộ, giới thiệu nhân sự, bổ nhiệm… Một trong những điều kiện tiên quyết là phải có tổ chức Đảng.

 

Do đó, ngay sau khi Tổng cục QLTT được thành lập, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án thành lập tổ chức Đảng của QLTT. Đề án này phải trình lên Thường trực Ban Bí thư để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Mặc dù là tổ chức bộ máy mới của Bộ Công Thương, nhưng để tăng cường tính phối hợp với các địa phương thành lập Đảng bộ tại các địa phương thuộc quản lý của tỉnh, nên khi làm công tác cán bộ phải trao đổi với các tỉnh. Như vậy vẫn giữ được mối liên hệ với các địa phương và địa phương vẫn theo dõi sát được ngành.

 

Thủ tục thành lập các tổ chức, bộ máy phải có thời gian quy định, không thể vội được. Trong 3 tháng vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiện toàn tổ chức này đến nay đã có 35/63 đảng bộ QLTT tại các địa phương được thành lập. “Bộ Công Thương rất quyết liệt, bắt đầu triển khai quy trình bổ nhiệm cán bộ các cấp và đã có hướng dẫn cho các Cục QLTT tại địa phương. Điều kiện đã chuẩn bị tốt rồi, thời gian tới sẽ bắt tay vào quy trình bổ nhiệm cán bộ, dự kiến sẽ tập trung trong quý I, II/2019” - ông Trần Hữu Linh cho hay.

 

Nhanh chóng cung cấp thông tin về CPTPP

 

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Một số báo chí cho rằng Bộ Công Thương dường như chậm cung cấp thông tin về Hiệp định này, đặc biệt là cung cấp thông tin về cơ hội và thách thức để từ đó doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thương mại Đa biên cho hay, trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngày 1/1/2019, Bộ Công Thương đã đăng toàn bộ thông tin về hiệp định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Các thông tin này bao gồm 13 bài về giới thiệu chung Hiệp định CPTPP. Cụ thể, giải thích cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này; những cơ hội và thách thức của CPTPP cũng như các câu hỏi thường gặp. Ngoài ra, đăng tải toàn bộ nội dung hiệp định bằng tiếng Anh lên Cổng thông tin điện tử.

 

 

Đông đảo cơ quan báo chí tham dự Họp báo

 

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để xây dựng một cổng thông tin điện tử bao gồm tất cả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, trong đó có CPTPP để người dân tra cứu dễ dàng hơn.

 

Liên quan đến kế hoạch hành động để thực thi CPTPP, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, CPTPP là Hiệp định có chất lượng cao và toàn diện. Bộ Công Thương cũng không phải Bộ duy nhất tham gia đàm phán Hiệp định này mà còn có nhiều bộ, ngành khác liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

 

Trong quá trình xây dựng Dự thảo kế hoạch hành động thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sau đó căn cứ Luật Điều ước Quốc tế năm 2016, ngày 27/12/2018, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP để Thủ tướng Chính phủ xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất, sau đó có thể công bố công khai với người dân và doanh nghiệp về Hiệp định này.

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương còn có một đơn vị là Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Văn phòng có nhiệm vụ chỉ đạo, kết nối về hội nhập. Kể cả khi đã hội nhập rồi thì việc triển khai thế nào, các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao, có rất nhiều đại diện của các địa phương, bộ ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo cùng giải quyết.

 

Văn phòng Ban Chỉ đạo năm 2018 đã làm một số việc liên quan đến tuyên truyền.

 

Thứ nhất, tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn trên phạm vi toàn quốc. Trong năm 2018, đã thực hiện 20 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn trực tiếp do lãnh đạo Bộ chủ trì phối hợp với các địa phương để thực hiện.

 

Thứ hai, tuyên truyền trên cổng thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế. Người dân và doanh nghiệp có thể truy cập website hoinhapkinhte.gov.vn, sẽ có rất nhiều thông tin về vấn đề này. Trong website có hẳn chuyên mục riêng về Hiệp định CPTPP.

 

Thứ ba, tuyên truyền trên tạp chí hội nhập, đây là tạp chí thường xuyên cung cấp thông tin hội nhập, trong đó có CPTPP.

 

Thứ tư, tuyên truyền thông qua biên soạn và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền phổ biến các hiệp định thương mại tự do. Việc này cũng được làm tích cực, thường xuyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao các ấn phẩm Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã thực hiện.

 

Không quy định phôi thép của Fomosa buộc phải xuất khẩu

 

Trả lời thắc mắc tại sao thép và phôi thép của Fomosa được quy định sản xuất để xuất khẩu nhưng hiện nay bán trong nước, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - thông tin, năm 2018, tổng dung lượng thị trường thép Việt Nam là 28 triệu tấn các loại, gồm 11 triệu tấn là thép xây dựng. Trong đó, phôi để kéo thép xây dựng là 11 triệu tấn.

 

Công ty Fomosa đã đi vào sản xuất từ năm 2017, sản xuất ra khoảng 5 triệu tấn thép, trong đó phôi dẹt cán ra thép đang thiếu 4 triệu tấn, phôi vuông 1 triệu tấn. “Giấy chứng nhận đầu tư cũng không quy định rõ là phôi của Fomosa phải xuất khẩu 100% mà chỉ quy định zoom của phôi vuông là 1,5 triệu tấn và đến nay thì họ mới sản xuất 1 triệu tấn. Phôi vuông này chủ yếu để kéo thép dây dưới phi 6 và không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam” - ông Thành cho hay.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Năm 2019, hoạt động của ngành Công Thương dự báo chưa bớt khó khăn. Tuy nhiên, toàn ngành đặt mục tiêu tổng quát là tập trung thực hiện để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn này, Bộ Công Thương mong muốn và tin tưởng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của đông đảo các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên. Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nâng cao hiệu quả mối quan hệ phối hợp, hợp tác với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh thông tin truyền thông ngày càng hiệu quả hơn về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.

 

Nguồn Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang