Thứ Bẩy, 23/11/2024 11:52:18 GMT+7
Lượt xem: 1269

Tin đăng lúc 11-09-2022

Hưng Yên: Hội nhập kinh tế thị trường để "vươn ra biển lớn"

Với địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không biển, không núi, không rừng, nhưng tỉnh Hưng Yên lại đang có cơ hội lớn để “vươn ra biển” trong bối cảnh hội nhập kinh tế thị trường.
Hưng Yên: Hội nhập kinh tế thị trường để "vươn ra biển lớn"
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ tạo động lực lớn cho Hưng Yên phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông thôn

Khi khát vọng vươn tầm…

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong tỉnh và khu vực phía Bắc, tỉnh Hưng Yên xác định “giao thông phải đi trước một bước”, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Theo đó, tỉnh Hưng Yên sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm kết nối tốt hơn nữa mạng lưới giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia. Từ đó, nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các đô thị trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Văn cho rằng, tỉnh Hưng Yên không có biển, cửa khẩu, cảng hàng không. Do đó, việc hợp tác kết nối kinh tế với các địa phương có thế mạnh mà Hưng Yên không có là việc làm cần thiết và cấp bách, mang tính chiến lược.

 

Tháng 8 vừa qua, tỉnh Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông” với các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái.

 

Trên cơ sở thỏa thuận này, thời gian tới đây, Hưng Yên sẽ được hưởng lợi phát triển như được vươn ra phía biển, kết nối với cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp....

 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cả bốn địa phương này đều có lợi thế về kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước. Khi tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương sẽ có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác những tiềm năng để cùng nhau tạo nên một cực kinh tế tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn. Với vị trí địa lý của tỉnh Hưng Yên nằm trong trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng trọng điểm kinh tế của miền Bắc tiếp giáp nhiều với Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh…

 

Đột phá về hạ tầng giao thông để thúc đẩy ngành kinh tế phát triển

 

Theo Sở Giao thông vận tải Hưng Yên, trước yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong tình hình mới, ngành giao thông vận tải được đặt niềm tin sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Do đó, ngành luôn xác định việc xây dựng Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững; gắn phát triển công nghiệp với đô thị, thương mại và nông thôn.

 

Theo đó, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện nay đã khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ (QL) 5, QL39, QL38, QL38B.

 

Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên đã đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, như dự án cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu thuộc tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng mức đầu tư hơn 2.871 tỷ đồng.

 

Đây là tuyến đường bộ rất quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội, nhất là ba tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình. Tuyến đường đã góp phần kết nối giao thông giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL38, QL38B, QL39 và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, giảm tải lưu lượng qua QL5, QL1 và cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội; đồng thời, tạo sự thông suốt với Hải Phòng, Quảng Ninh và các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

 

Cùng với đó, tuyến đường này sẽ kết nối giao thông ra cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), là cảng trung chuyển quốc tế lớn, mở ra một tuyến đường ra biển và tạo cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở GTVT Hưng Yên cho biết, trong định hướng phát triển giao thông của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Hưng Yên đang tập trung triển khai xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo hành lang để hình thành lên các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển KT-XH tại các vùng còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng thời, việc xây dựng hệ thống giao thông trọng yếu sẽ giúp kết nối thuận tiện với các cửa khẩu quốc tế, cảng biển, cảng cạn, sân bay của các địa phương lân cận, thu hút đầu tư vào Hưng Yên, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

 

Người đứng đầu Sở GTVT cho biết thêm, để phát huy tối đa hiệu quả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch tuyến đường gom 2 bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quy mô cấp I, 6 làn xe và đang tiến hành đầu tư với quy mô đường cấp III, 2 làn xe; dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn thành toàn tuyến trên địa bàn tỉnh.

 

Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch xây dựng 6 cảng hàng hóa (gồm 4 cảng trên sông Hồng và 02 cảng trên sông Luộc) và quy hoạch xây dựng 7 cảng ICD gần các khu công nghiệp lớn, tập trung của tỉnh. Tới đây, tỉnh Hưng Yên sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng 03 cảng ICD (cảng Văn Lâm, Yên Mỹ và Ân Thi) và 02 cảng hàng hóa (cảng Mễ Sở, cảng Triều Dương) để phục vụ tốt cho dịch vụ hậu cần logistics.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang